Tại sao chim xanh tượng trưng cho sứ giả?
Hán Vũ Đế là một vị hoàng đế trứ danh ở Trung Quốc. Truyền thuyết kể lại rằng: một năm vào ngày
mồng bảy tháng Bảy, Hán Vũ Đế tế thần. Đến giữa trưa bỗng nhiên có một con chim xanh từ khoảng
trời phía tây bay tới rồi đậu ở trước cung điện. Lúc ấy bên cạnh Hán Vũ Đế có một người tên là Đông
Phương Sóc. Đông Phương Sóc là một nhà văn học thời bấy giờ, nhưng theo truyền thuyết dân gian,
Sóc lại là thần tiên trên trời vì phạm sai lầm cho nên mới bị đày xuống trần. Do đó ông biết tất cả
những chuyện quái lạ. Đông Phương Sóc nói với hoàng đế rằng:
- Con chim xanh này là một sứ giả do Tây Vương Mẫu phái tới. Xẩm tối hôm nay Vương Mẫu sẽ tới
đây, hoàng đế phải sai người quét dọn cung điện để nghênh tiếp Tây Vương Mẫu.
Theo truyền thuyết thì Tây Vương Mẫu tượng trưng cho các vị thần tiên trường sinh bất lão. Bà có ba
con chim xanh, mỗi lần đi ra ngoài bao giờ bà cũng phái một con bay đi trước đến nơi bà định tới để
báo tin. Hôm ấy đến lúc trời ngả về chiều thì bầu trời đang xanh biếc bỗng biến thành một màu tía và
lại còn ầm ĩ nổ ra những tiếng sấm. Một lát sau đã thấy Tây Vương Mẫu ngự trên một chiếc xe màu tía
từ trên không trung đáp xuống, bên cạnh bà còn có hai con chim xanh nữa.
Hán Vũ Đế nghênh đón Tây Vương Mẫu vào trong cung điện và xin Vương Mẫu ban cho mình "thuốc
bất tử” vì ông cũng muốn được trường sinh và thành tiên. Nhưng Vương Mẫu nhận thấy rằng Hán Vũ
Đế vẫn còn quá coi trọng quyền lực và ham lợi cho nên bà không thể ban cho thuốc bất tử. Bà bèn cho
Hán Vũ Đế năm quả đào tiên, loại đào này ba ngàn năm mới ra quả một lần và có hương vị ngon tuyệt
vời. Tây Vương Mẫu chuyện trò với Hán Vũ Đế đến canh năm rồi mới trở về trời. Sau khi chuyện này
được lưu truyền, chim xanh đã trở thành vật tượng trưng cho các sứ giả.
Còn ở các nước phương Tây, chim xanh lại tượng trưng cho hạnh phúc vì năm 1908 nhà biên kịch
người Bỉ Meteclin đã viết một vở kịch nhan đề là Con chim xanh kể chuyện một bầy trẻ đi tìm con
chim xanh tượng trưng cho hạnh phúc. Với vở kịch này tác giả đã được giải thưởng Nobel văn học
năm 1911.
LA DUẪN HÒA