"Không vì năm đấu gạo mà gãy lưng” là chuyện thế nào?
Trong những năm cuối đời Đông Tấn có một nhà thơ lớn tên là Đào Uyên Minh. Ông vốn có hoài bão
to lớn, muốn lập nên sự nghiệp, nhưng vì cái đạo trong cuộc đời thời bấy giờ hết sức đen tối, cho nên
ông không chịu ra làm quan, cứ ở nhà ngâm thơ và uống rượu. Về sau, đời sống của ông gặp nhiều
khó khăn, cho nên ông không thể không nhận một chức huyện lệnh ở huyện Bành Trạch tỉnh Giang Tây.
Ngờ đâu Đào Uyên Minh vừa tới nhậm chức được hơn tám mươi ngày thì cấp trên là quan thái thú
phái một viên quan, thời cổ gọi là đốc bưu, tới huyện của ông để kiểm tra. Bọn tiểu lại vội giục Đào
Uyên Minh mau mau mặc quan phục ra nghênh tiếp. Tên đốc bưu này vốn dĩ là một tay thổ hào, chỉ vì
viên thái thú là họ hàng thân thích của hắn cho nên hắn mới leo lên được tới chức quan này. Trên
đường đi hắn diễu võ dương oai, ra uy ra thế. Đào Uyên Minh từ xưa đến nay vốn không ưa đi lại với
các nhân vật trong quan trường, cho nên đối với loại người như tên đốc bưu này, tất nhiên ông không
chịu khom lưng cúi mình nịnh bợ, ông nói :
- Ta không thể vì cái bổng lộc mỗi tháng được năm đấu gạo mà khom lưng cúi mình trước bọn tiểu
nhân nơi hương lí.
Nói xong ông lập tức trả lại ấn quan trở về quê hương. Sau khi về tới quê nhà, ông viết bài văn nổi
tiếng Quy khứ lai từ để nói lên sự hiềm ghét của mình đối với quan trường và lòng yêu cuộc sống
điền viên.
Về sau tuy rằng cuộc sống của Đào Uyên Minh trở nên hết sức cùng khốn, ông phải tự mình cày ruộng
và đến khi gặp thiên tai ông thậm chí phải đi xin ăn, nhưng vẫn giữ nhân cách và ý chí của mình cho
đến chết, nhất định không chịu ra làm quan nữa.
Do đó "không vì năm đấu gạo mà khom lưng" trở thành câu thường dùng để nói lên ý không muốn vì
một chức quan mà đứng vào hàng ngữ những kẻ tiểu nhân hám lợi.
KHANG BÌNH