NGƯỜI ĐẦU BẾP GIÀ
Một buổi tối mùa đông năm 1786, trong một ngôi nhà gỗ nhỏ ở ngoại
thành Viên, người đầu bếp cũ của bá tước Tun - một ông lão mù - đang hấp
hối. Nói cho đúng, đó cũng chẳng phải là nhà, mà chỉ là một chiếc lều canh
rách rưới ở sâu trong vườn. Khu vườn ngập những cành mục bị gió đánh
gẫy. Những cành cây kêu răng rắc dưới mỗi bước đi và con chó đực xích
trong chuồng bắt đầu gầm gừ khe khẽ. Nó cũng như chủ nó, đang hấp hối vì
tuổi già và giờ đây không còn sủa được nữa.
Người đầu bếp bị hỏng mắt vì hơi nóng của bếp lò từ mấy năm về trước.
Viên quản lý của bà bá tước cho ông lão ở trong túp lều canh và thỉnh
thoảng cho ông vài flôrinh
Ông lão ở với con là Maria, một cô gái mười tám tuổi. Đồ đạc ở trong lều
vẻn vẹn có một cái giường, mấy chiếc ghế khập khiễng, một cái bàn thô,
một số đồ sứ đã rạn nứt và một cái dương cầm kiểu cổ - của cải độc nhất của
Maria.
Cái dương cầm đã cũ lắm, cũ đến nỗi mỗi khi có những tiếng động vang
lên ở chung quanh những dây đàn lại rung lên rất lâu và khẽ. Người đầu bếp
gọi đùa cái dương cầm là "anh gác của nhà ta". Không ai có thể bước vào
nhà mà không được cây đàn đón tiếp bằng một âm thanh run rẩy và già yếu.
Khi Maria đã làm xong việc rửa mình cho người cha hấp hối, mặc chiếc
áo trắng và lạnh giá vào cho ông, ông lão bảo cô:
- Cha không hề ưa bọn thầy tu và bọn nhà dòng. Vì vậy cha không thể
mời cha xứ đến rửa tội, nhưng trước khi chết cha muốn cho lương tâm cha
được trong sạch.
- Vậy phải làm thế nào, thưa cha? - Maria lo lắng hỏi. Ông lão nói:
Con hãy ra đường và mời người đầu tiên mà con gặp vào nhà để rửa tội
cho một người đang hấp hối. Không ai nỡ từ chối con đâu.