mới mang nổi nó kia kìa. Bác sẽ đưa cháu về nhà và chúng ta sẽ nói với
nhau về một chuyện gì khác.
Đanhi thở dài và đưa cái lẵng cho Grigơ. Cái lẵng quả khá nặng. Trong
quả thông có nhiều nhựa, vì thế quả thông nặng hơn quả tùng bách.
Khi nhà người gác rừng đã hiện ra giữa đám cây, Grigơ bảo cô bé:
- Thôi cháu Đanhi, bây giờ cháu chạy về một mình nhé. Ở Nauy có rất
nhiều em bé gái trùng tên trùng họ với cháu. Bố cháu tên là gì nhỉ?
- Hagrup ạ! - Đanhi trả lời và hỏi tiếp, vầng trán nhăn lại - Bác không vào
chơi nhà cháu ư? Nhà cháu có chiếc khăn giải bàn này, có con mèo hung
này, lại có chiếc thuyền bằng thủy tinh nữa. Ông cháu sẽ cho phép bác cầm
nó đấy.
- Cám ơn cháu. Bây giờ bác không có thì giờ. Chào cháu, Đanhi ạ.
Grigơ vuốt tóc em bé rồi đi về phía bờ biển. Đanhi chau mày trông theo.
Em xách cái lẵng nghiêng về một bên và những quả thông rơi xuống đất.
"Ta sẽ làm một bản nhạc - Grigơ quyết định - và trên trang bìa ta sẽ cho
in: "Tặng Đanhi Pêđecxen, con gái người gác rừng Hagrup Pêđecxen, khi cô
mười tám tuổi".
Ở Becghen không có gì thay đổi.
Tất cả những gì có thể làm cho âm thanh bị nuốt đi như thảm, rèm cửa
bằng vải dày, giường, ghế, đệm, Grigơ đã loại ra khỏi nhà. Chỉ còn lại một
chiếc đi- văng cũ kỹ đủ cho một người khách ngồi là Grigơ vẫn chưa dám bỏ
đi nốt.
Các bạn của nhà soạn nhạc nói rằng nhà của ông giống nơi ở của một tiều
phu. Chỉ có mỗi chiếc dương cầm là vật trang sức cho ngôi nhà. Người giàu
tưởng tượng có thể nghe thấy giữa những bức tường trắng ở đây nhiều điều
kỳ diệu, từ tiếng gầm thét của Bắc băng dương - cái đại dương đang dồn
sóng từ trong màn sương mù và gió ra ngoài, và bên trên sóng gió nó rú rít
kể câu chuyện cổ xưa man rợ - cho đến bài hát của đứa con gái ru con búp
bê bằng giẻ rách.