Các cửa sổ tỏa sáng. Người xà ích nhảy xuống và kéo tấm thảm phủ chân.
Cánh cửa rộng mở. Viên thống chế khoác tay Baumvay bước vào gian
phòng chật hẹp thắp đầy nến, bỏ áo khoác ngoài rồi dừng lại bên ngưỡng
cửa. Trong phòng có mấy người phụ nữ trang phục thanh lịch và vài người
đàn ông.
Một người trong đám phụ nữ đứng dậy. Thống chế nhìn nàng và đoán ra
đó là Maria Tsernưi.
- Hãy tha lỗi cho tôi. - Viên thống chế nói và mặt hơi đỏ lên, - xin lỗi về
sự xâm nhập đường đột này. Nhưng nhà binh chúng tôi chẳng hề biết gì là
gia đình, lễ tết và yên vui cả. Hãy cho phép tôi được sưởi ấm bên ngọn lửa
của nàng.
Người coi rừng có tuổi cúi chào thống chế còn Maria Tsernưi bước vội lại
gần, nhìn vào mắt ông, đưa tay. Thống chế hôn tay nàng và ông cảm thấy
bàn tay mát lạnh như một mảnh băng. Mọi người im lặng.
Maria Tsernưi thận trọng sờ vào má viên thống chế, ngón tay nàng lần
vuốt vết sẹo sâu và hỏi:
- Vết thương chắc đau đớn lắm?
- Phải - thống chế lúng túng trả lời, - đó là một đòn kiếm chắc tay.
Khi đó nàng bèn cầm tay ông và dẫn lại gần các vị khách. Nàng giới thiệu
ông với mọi người và nét mặt rạng ngời e lệ như giới thiệu vị hôn phu của
mình. Tiếng xì xào lạ lùng lan trong đám khách.
Tôi không biết có phải tả nhan sắc, hình dung của Maria Tsernưi cho anh
không, bạn đọc của tôi? Nếu bạn cũng như tôi cùng thời với nàng thì chắc
hẳn phải nghe nói đến cái sắc đẹp thanh tú của người phụ nữ này, nghe nói
đến dáng đi thanh thoát, tính tình kiêu kỳ nhưng đầy quyến rũ của nàng.
Không một người đàn ông nào dám hy vọng ở tình yêu của Maria Tsernưi.
Họa chăng chỉ có những người như Sile
mới xứng đáng tình yêu của nàng.
Rồi sau câu chuyện ra sao nữa? Viên thống chế ở nhà người coi rừng hai
ngày trời. Ta sẽ không nói đến tình yêu vì đến nay ta vẫn chưa biết thế nào là