Nhiều năm sau ông đem bức họa này triển lãm ở Nêapôn. Các họa sĩ
Nêapôn đã vô cùng sửng sốt. Kiprenxki được mời tới gặp Nikôlini, chủ tịch
Viện hàn lâm Mỹ thuật Nêapôn.
Người Italia già nua cáu kỉnh này gặp Kiprenxki đầy nghi hoặc. Ông nói
rằng những chuyên gia thành thạo nhất về hội họa đã nghiên cứu kỹ bức
tranh này và kết luận rằng nó không thể do một họa sĩ thuộc thế kỷ 19 vẽ
nên. Người ta cho đó là tác phẩm của Rubenxơ và Kiprenxki đã mạo nhận là
của mình. Thực ra ý kiến của các chuyên gia cũng con chưa nhất trí. Người
thì bảo đó là tranh của Van- Đâyich, người lại cho là của Rembrand.
Kiprenxki phá lên cười vào mặt ông chủ tịch. Nikôlini thét lên rằng các
họa sĩ Nêapôn không cho phép một anh chàng ngoại quốc nào đó đánh lừa
mình trắng trợn đến như thế.
Kiprenxki đã chứng minh chẳng khó khăn gì bức họa đó là của anh và về
sau còn nhạo báng mãi những người Nêapôn nọ.
Năm 1803 Kiprenxki đã tốt nghiệp Viện hàn lâm Mỹ thuật một cách chói
lọi. Những năm đẹp nhất của đời anh bắt đầu.
Không phải vô cớ Kiprenxki đã nghe theo lời khuyên của Đôien - nghiên
cứu nét mặt của những người cùng thế kỷ. Anh đã sáng tạo một loạt chân
dung trong đó mỗi gương mặt đều có cá tính riêng và thể hiện được hình ảnh
nội tâm hoàn chỉnh của mỗi con người. Trong sáng tác của mình ông đã làm
nổi lên những nét độc đáo.
Trong khi nghiên cứu những bức chân dung của Kiprenxki ta thấy lòng
mình đầy xúc động tựa hồ như ta đang trò chuyện cùng với tất cả các tướng
lĩnh, thi nhân, nhà văn, những phụ nữ đầu thế kỷ 19.
Trong những bức chân dung ấy không chỉ nổi bật lên những gương mặt
mà cả cuộc sống của những con người đó nữa: nỗi đau khổ, những cao trào
của tâm hồn, lòng dũng cảm và tình yêu của họ. Tất cả những cái đó đều để
lại dấu vết trên nét mặt họ và được thể hiện trên nền vải.
Một người cùng thời với Kiprenxki nói rằng đứng một mình với những
chân dung của họa sĩ, ông ta nghe thấy tiếng nói của họ.