bắt đầu gậm nhấm, đầu tiên còn rụt rè thận trọng, gây nên những cơn nhức
đầu. Kiprenxki đã nhận chìm sự mệt mỏi và những cơn nhức đầu trong rượu.
Kiprenxki không biết và cũng không thể biết được vinh quang đối với
những con người như anh còn đáng sợ hơn cả cái chết.
Anh ngắm nghía vinh quang, hãnh diện vì nó. Anh thật thà tin ở những lời
phỉnh nịnh và những lời tán dương của các nhà báo. Anh nghĩ rằng thế giới
đã ở dưới chân anh, bị chinh phục bởi nghệ thuật của anh.
Anh có biết đâu rằng tài năng không được rèn đúc trong những hình khối
nghiêm khắc của văn hóa thì chỉ một tia lửa lóe lên là sẽ cháy thành tro bụi.
Anh quên rằng hội họa tồn tại không phải vì vinh quang. Anh đã khinh
thường lời nói của Puskin "Sự phụng sự nghệ thuật không thể chịu được tính
lăng xăng - Cái đẹp phải đường bệ..."
Vì điều đó sau này anh đã phải trả giá tàn nhẫn và nặng nề. Ai mà biết
được những ngày căng thẳng này sẽ kết thúc như thế nào nếu không có
chặng nghỉ lấy sức. Kiprenxki được phép sang Rôma để "hoàn thiện nghệ
thuật hội họa".
Có thể Kiprenxki đã cạn sức mà chết như nhiều người tài năng ở Nga hồi
đó. Có thể, nếu được sống gần Giucốpxki và Puskin, những người biết rõ sự
mất cân bằng về tinh thần của anh, có lẽ anh đã không bao giờ biến nghệ
thuật thành phương tiện thành đạt của cuộc đời. Ai biết được!
Trong thâm tâm anh cũng biết mình phạm sai lầm nhưng không quen
phân tích trạng thái tinh thần của mình, không tìm được cách thoát khỏi sự
lầm lạc.
Anh mơ hồ thèm muốn một người bạn biết giữ anh khỏi cuộc chạy đua vì
sự thành đạt và sự hào nhoáng bên ngoài, chữa khỏi bệnh nhu nhược, truyền
cho sự sáng suốt của một tâm hồn lớn và sự khiêm nhã của một thiên tài
chân chính. Sự khao khát một người bạn biết giữ gìn này theo đuổi
Kiprenxki tới tận lúc chết, nhưng sự ham muốn cuộc sống dễ dàng và sự
thành đạt đã át đi tất cả.