Kiprenxki uống rượu nhiều và đêm nào ông cũng trở về say khướt, dẫn
theo một đàn những tay khả nghi nhẵn mặt ở các quán rượu.
"Cô vợ trẻ của ông, - Iorđan viết, - không muốn thấy nhà họa sĩ vĩ đại
trong cái tư thế không đẹp mắt như vậy và không cho ông vào nhà. Ông
thường ngủ đêm trong hành lang của nhà mình".
Trong một đêm như vậy tháng mười năm 1836, Kiprenxki bị cảm, ông ốm
mất mấy hôm rồi nằm xuống hẳn. Mariutsa cho gọi bác sĩ Rikarđi, chuyên
chữa chạy cho các họa sĩ Nga tới.
Ông già đầu hói luôn cựa quậy, giống như hình nộm bụi bặm của một con
chim bước vào căn phòng mái thấp, nơi Kiprenxki đang nằm. Từ các bức
tường đá trống trải toát ra hơi lạnh. Ông già nhìn ngó chung quanh, lông
mày nhíu lại - trong phòng ở của nhà họa sĩ trứ danh chỉ treo một bức tranh -
bức chân dung chưa hoàn thành của Mariutsa.
Kiprenxki đang trong cơn mê sảng.
Có tiếng chân người vội vã bước từ các căn phòng bỏ trống phía xa vọng
lại. Bóng tối dày đặc tụ lại ở các góc phòng và dọc hành lang dài bằng đá.
Sống trong một căn nhà như vậy thật cô đơn và lạnh lẽo.
Rikarđi nghe bệnh nhân. Gió đêm thu xào xạc trên thành Rôma. Cung
điện cổ đầy tiếng âm vang kỳ lạ, tiếng hát trầm của các ống khói lò sưởi,
tiếng va đập của các thành cửa sổ, tiếng cọt kẹt của bản lề cửa.
Rikarđi nhìn hồi lâu bộ mặt nhợt nhạt của Kiprenxki, gạt khỏi trán những
sợi tóc đen bóng lên vì mồ hôi.
- Xinhora, - ông nói với Mariutsa, - chồng bà bị bệnh sốt vì sưng phổi.
Tiếng gió thổi làm tôi không nghe ông ấy được kỹ lắm. Tình trạng xấu lắm.
Phải trích huyết.
Mariutsa im lặng. Cô thấy sợ hãi phải ở đây một mình với con người đang
mê sảng bỗng trở nên hoàn toàn xa lạ với cô.
Trong cơn mê Kiprenxki nói tiếng Nga. Mariutsa gần như không hiểu gì
cả. Cô òa lên khóc. Kiprenxki tỉnh lại nhìn Rikarđi và nắm lấy tay ông: