Mười năm ở Rôma, Iorđan đã dùng để khắc gỗ bức tranh "Sự biến đổi"
của Rafaen. Sàn gạch trong buồng bên giá khắc chân ông đã dẫm mòn thành
một hố sâu. Gôgôn thích kể cho các họa sĩ nghe về chuyện này. Các họa sĩ
đều kính nể Gôgôn nhưng e ngại ông - vì nhà văn không ưa giao tiếp và ít
nói.
Ivanốp hồi đó đang vẽ tranh "Đức chúa Giêxu giáng thế."
Kiprenxki thì ngồi lỳ trong quán rượu. Ông mang theo bánh mì và ném
cho các con chó hoang ăn. Chó theo ông hàng đàn, nhưng chúng không
được phép vào quán ăn. Lúc đó chúng ve vẩy đuôi, nhẫn nại ngồi đợi bên
cửa ra vào. Nhìn đàn chó tụ tập ở bên cửa này hay bên kia quán rượu mà
những người đặt hàng tìm được họa sĩ. Người ta thường bắt gặp ông ngồi
bên chiếc bàn chất đầy các chai rượu. Ông thường đòi người hầu bàn thắp
nến ở trước mặt và trước khi uống rượu lại giơ cốc lên soi qua ánh sáng.
- Thật đáng tiếc, anh bạn thân ơi, - một lần ông nói với Iorđan, - là không
thể vẽ bằng rượu. Nếu được thế, chúng ta sẽ đưa vào tác phẩm thêm bao ánh
sáng và sự rung động.
- Những màu của ông, ông Orext, - Iorđan lịch sự trả lời, - không hề thua
kém vẻ óng ả của rượu vang chút nào.
Kiprenxki nhăn mặt không bằng lòng và quay đi.
- Cái gì đã qua là mất hẳn, - ông nói giọng khàn khàn.
Kiprenxki không biết làm gì trong quãng đời còn lại. Cuộc sống thật thiếu
ấm cúng và cô đơn. Lúc đó Kiprenxki quá quẫn trí đã phạm thêm một sai
lầm cuối cùng. Ông lấy Mariutsa. Cô không yêu ông, nhưng gắn bó với ông,
con người đã cứu cô khỏi sự bần hàn, đói rét. Kiprenxki đã nhập đạo Giatô
để được lấy Mariutsa. Cùng với Mariutsa ông đi Nêapôn. Cuộc sống sáng
sủa lên chẳng được bao lâu. Từng giờ nhà họa sĩ bệnh hoạn và buồn bã luôn
cảm thấy sự có mặt của cô gái Italia trẻ trung bên cạnh. Cô đọc cho ông
nghe những cuốn sách về lịch sử nước Italia, những bài bình luận về hội họa
và thi ca. Kiprenxki theo rõi từng cử động của cô cố tránh cho Mariutsa khỏi
những khó khăn nhỏ bé nhất của cuộc sống, che chở khỏi sự buồn tẻ.