nhau. Ngồi xuống rồi, Nhược Hi nhìn quanh, nhận ra bàn giữa hàng đầu
vẫn bỏ trống, chắc để dành cho thái tử. Từ bàn đó lần lượt chạy xuống bên
trái là các bàn của Bát, Cửu, Thập và Thập tứ a ca, xuống bên phải là Tứ,
Thập nhất, Thập nhị, Thập tam a ca.
Một thái giám bưng khay gỗ phủ nhiễu đại hồng vào, trên khay đặt thẻ
kịch, dừng lại bên bàn Tứ a ca. Tứ a ca không nhìn đến, chỉ nói với thái
giám mấy câu, thái giám lĩnh mệnh bưng khay đến bàn Thập a ca thưa bẩm.
Thập a ca không nghe hết, chỉ gật gật đầu, nhấc thẻ lên xem lướt qua rồi lấy
bút đánh dấu một chỗ, xong đưa trả thái giám. Thái giám lại quay về bàn
Tứ a ca, Tứ a ca cũng đánh dấu một chỗ. Bấy giờ thái giám mới bưng khay
đi, tiến sang mời Bát a ca chọn kịch, nhưng Bát a ca khoát tay, ra ý bảo nó
lui xuống.
Chỉ chốc lát, sân khấu đã dậy lên tiếng í a hát xướng. Lúc này Kinh kịch
vẫn chưa ra đời, người ta còn hát Côn khúc. Đáng tiếc là hơn ba trăm năm
sau, Côn khúc không thịnh hành nữa, đến thời của mình, Tiểu Văn chỉ biết
có vài vở rất nổi danh như Tây sương ký, Mẫu Đơn đình, và thêm một vở là
Ma Cô hiến thọ mà Đông Vân mới dạy tối qua. Song liếc sơ trang phục, cô
cũng biết vở đang diễn là Võ Tòng đả hổ, bèn tự nhủ, Thập a ca chọn có
khác, chỉ thích những màn nhộn nhịp. Khi con hát diễn tới đoạn Võ Tòng
cưỡi trên mình hổ vung quyền định nện, thì một thái giám cao giọng hô:
- Thái tử tớiiiiiiiiiiiiii!
Trên đài dưới đài nhất tề rạp mình xuống. Nhược Hi nhìn qua đám đông,
thấy một người vận áo dài màu mỡ gà, khuôn mặt đẹp đẽ đứng đắn, thong
thả đi vào.
Mọi người đứng dậy, trở về chỗ ngồi. Thái giám lại bưng khay đựng thẻ
kịch lên. Thái tử cất giọng sang sảng: