Tuy vậy, nhà thơ Lê Huy Phán không có nhiều bạn thân. Một phần vì
Phán có vẻ già dặn so với các bạn cùng lớp nhưng phần khác, quan trọng
hơn, Phán trông quê kiểng, cục mịch. Mặc dù rời quê lên thành phố mấy năm
nay, Phán vẫn không gột rửa được dấu vết ruộng vườn của mình. Cách ăn
mặc của Phán chẳng hòa hợp chút xíu nào với mô-đen hiện đại đang lan tràn
từng giờ tận các xó xỉnh của một thành phố văn minh. Nếu đem so với chàng
lớp trưởng hào hoa phong nhã Hoàng Hòa, Phán chẳng khác nào một anh
nông dân lên thành phố... mua máy cày. Và chẳng biết tự bao giờ và ai đề
xướng, bạn bè đều gọi Phán là... Phán củi, một biệt danh hoàn toàn phù hợp
với con người. Vậy mà chẳng hiểu sao cái anh chàng "tía em hừng đông đi
cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa" đó lại làm được thơ đăng báo, lạ thật!
Thỉnh thoảng, khi nhắc đến Phán, Cúc Hương thường hóm hỉnh nhận xét như
vậy. Như dù là Phán có "củi" hay "bếp ga" thì Xuyến vẫn phải đến gặp anh.
Thoạt đầu, Thục cực lực phản đối cái trò nhờ vả này. Nhưng khi Xuyến nói:
- Chuyện anh chàng Phong Khê đòi làm quen với mày, Hoàng Hòa đã biết
rồi. bây giờ thêm một người nữa biết, đâu có sao! Hay là mày chỉ muốn tâm
sự riêng với lớp trưởng thôi?
Thục đành gượng gạo cười trừ.
Trước nay, tụi Xuyến ít khi trò chuyện với Phán, do đó anh tỏ vẻ ngạc
nhiên khi vừa ra chơi đã thấy Xuyến đến gặp mình. Anh chưa kịp hỏi thì
Xuyến đã nói trước:
- Tụi tui nhờ bạn cái này chút!
- Gì vậy?
Xuyến khẽ liếc về phía Cúc Hương và Thục, nháy nháy mắt rồi quay lại
nhìn Phán, hùng hồn tường thuật lại những chuyện vừa xảy ra. Kể xong,
Xuyến đề nghị thẳng: