Rồi ngồi vững trên yên ngựa, họ nối đuôi nhau lên đường dưới bầu trời đầy
sao, xanh trong như màu nước biển.
Được hai tiếng đồng hồ, Hà Khâm đề nghị:
- Chúng ta nghỉ tìm chổ ngủ đi!
Việt Kim bắt chước hai bạn, tháo tấm mền dạ từ lưng ngựa, trải xuống mặt
cát êm, nửa nằm nửa đắp. Thu gọn chiếc "chador" xuống làm gối đầu, Việt
Kim sau mấy cái cựa mình, đã ở trong một vị trí nằm rất thoải mái. Đi
đường mệt nhọc, vừa đặt mình nằm êm, đôi mí mắt em đã díp lại. Trước
khi chìm sâu vào giấc ngủ, bên tai em bỗng lại nghe văng vẳng câu nói của
Mạnh Di: "Dè dặt đề phòng đó, nghe Việt Kim!"
Sáng hôm sau, mọi người thức giấc thật sớm, lên đường để có thể tới nơi
trước khi trời nắng lớn. Ngựa băm nước kiệu một lúc khá lâu, bên tai đã
nghe văng vẳng tiếng ồn ào hoạt động của trại Can Pác. Một khoảng thời
gian gần một khắc đồng hồ sau Việt Kim đã nhanh nhẹn nhẩy xuống ngựa
liệng giây cương cho một người đàn ông Du-Ráp ra đón.
Phía xa một chút, trước căn lều màu xanh lá cây, một người đàn ông trung
niên người Việt đang rửa mặt trong một cái chậu bằng vải tuồn cứng. Việt
Kim tiến đến gần:
- Thưa, xin lỗi ông, ông là kỹ sư Ngô Văn Hoàng? - Vừa nói em vừa kéo
mảnh áo chador để lộ ra khuôn mặt tươi tắn.
Việt Kim đoán đúng. Người đàn ông trung niên đúng là kỹ sư Hoàng. Vóc
người ông cao dong dỏng, tóc đen nhánh bồng bềnh, nước da xạm nắng coi
rất hiên ngang, nổi bật hẳn giữa đám người Du-Ráp nhỏ con, đen đủi, các
công nhân làm việc trong trại.
Vừa lau mặt và cổ, kỹ sư Hoàng vừa đưa mắt nhìn Việt Kim chăm chú:
- Đúng! Tôi là Hoàng đây! Mà cô bé là ai? Ở đâu mà tới đây vậy?
- Cháu là Việt Kim, con gái của ký giả Hải Âu. Cháu từ Ba-ga-ra tới. Cùng
đi với cháu có cả Á Minh con gái của Thủ tướng Lư Hà Sa và vị hôn phu
của cô ta nữa.
Lưng bàn tay của kỹ sư Hoàng cọ đi cọ lại nơi dưới cằm. Đôi mắt ông ta
đăm chiêu. Một lúc sau, đột nhiên:
- À, tôi nhớ ra rồi! Đúng rồi! Phải, phải! Tôi đã nhiều lần viết thư liên lạc