Còn đường sá thì chỉ nghĩ đến đã thấy sợ; có thể nói đó là những luống bùn
nhầy nhụa cầm chân cả bộ binh lẫn pháo binh, nhất là các đơn vị hậu cần.
Còn địch, chúng đóng trên các điểm cao khống chế, lợi dụng từng giờ để rúc
sâu thêm xuống đất, bổ sung thêm những chướng ngại tự nhiên trên đường
tiến quân của chúng ta bằng những chướng ngại vật tự tạo, đặc biệt bằng
những bãi mìn.
Bộ tư lệnh phương diện quân lúc này đứng trước một tình trạng khó xử:
hoặc phải chuẩn bị thêm để tiến hành đột phá theo đúng mọi quy tắc, nhưng
sẽ mất thời gian và địch sẽ lợi dụng số thời gian ấy để củng cố công sự thêm
vững chắc, hoặc tiếp tục tiến công không ngừng lại lâu để không cho địch có
khả năng tăng cường phòng ngự. Các đồng chí đã chọn phương án sau: chỉ
dành vẻn vẹn có năm ngày để chuẩn bị chiến dịch.
Ngày 9 tháng Hai, bộ đội của phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ đã đột
kích từ tuyến sông Bây-xúc và Cu-ban. chọc thủng phòng tuyến phòng ngự
của quân Đức ở khu vực Cô-rê-nôp-xcai-a, và tập đoàn quân 37 của chúng ta
sau hai ngày chiến đấu đã tiến sâu về phía Tây được 25-30 ki-lô-mét. Bên
sườn phải tập đoàn quân 18 trong khu vực Pa-sơ-cốp xcai-a, quân ta đã vượt
qua Cu-ban và tiến được đôi chút.
Dựa vào thắng lợi của các đơn vị bạn, tập đoàn quân 46 cũng tiến lên phía
trước. Ngày 12 tháng Hai, các đơn vị này đã cùng nhau phối hợp cố gắng và
đánh bật địch ra khỏi Cra-xnô-đa và cả ngày hôm sau tiếp tục truy kích địch
sâu thêm đến 50 ki-lô-mét. Do đó, tình hình bên sườn phải và Tây – Nam
Cra-xnô-đa đã được chỉnh đốn lại chút ít. Còn ở khu vực Nô-vô-rô-xi-xcơ,
các mũi đột kích của tập đoàn quân 41 và của các chiến sĩ anh dũng ở Mứt-
kha-cô đã bị đánh lui
Trong suốt nửa cuối tháng Hai, tháng Ba và nửa đầu tháng Tư, các cuộc
chiến đấu tiến công vẫn tiếp diễn nhưng không thu được kết quả lớn. Quân
địch bị đẩy ra tuyến sông Cu-rơ-ca và Cu-ban đến Pri-cu-ban-xki, ra sông A-
đa-gum đến Cra-xnưi ra các cao điểm ở vùng Crưm-xcai-a, Ne-be-rơ-gia-ép-
xcai-a, nhưng chúng vẫn chưa bị đánh bại hẳn. Sở dĩ như vậy là do nhiều