1935, rồi ở Bê-lô-ru-xi-a và đã làm cho các quan sát viên nước ngoài sửng
sốt không ít. Đến năm 1940, số lượng quân đổ bộ đường không đã tăng lên
gấp đôi.
Hải quân cũng đã tiến lên được một bước lớn. Trong vòng hai kế hoạch 5
năm, những xí nghiệp đóng tàu của chúng ta đã đóng hơn 500 chiến hạm các
loại. Đội ngũ chiến đấu của Hải quân đã phát triển đặc biệt nhanh lúc gần
xảy ra chiến tranh. Khi nước Đức Hít-le tiến công chúng ta, các Lực lượng
hải quân đã có 3 thiết giáp hạm, 7 tuần dương hạm, 54 khu trục hạm và lãnh
hạm, 212 tàu ngầm, 287 tàu phóng lôi và hơn 2.500 máy bay.
Chỉ hạm đội thành lập ở phía bắc từ ngày 25 tháng Sáu năm 1933 đã được
cải tổ lại thành Hạm đội Bắc trước ngày 11 tháng Năm 1937. Do kết quả của
việc đẩy nhanh công việc đóng tàu, nên đến lúc bắt đầu cuộc Chiến tranh
giữ nước vĩ đại, Hạm đội Bắc – hạm đội trẻ nhất trong số các hạm đội của
chúng ta – đã có một đoàn tàu chiến hùng hậu và đã tiếp tục phát triển vững
chắc lực lượng của mình.
Những hạm đội có từ lâu của chúng ta, đặc biệt là Hạm đội Ban-tích Cờ
đỏ, cũng được hoàn thiện và phát triển. Hạm đội Ban-tích đã có nhiều căn cứ
mới: Tan-lin, Khan-cô và những căn cứ khác, mỗi căn cứ đều đã đóng vai
trò tích cực của mình trong quá trình đấu tranh vũ trang trên chiến trường
mặt biển này.
Các Lực lượng vũ trang Liên Xô dựa được vào nền khoa học quân sự tiên
tiến. Lý luận về chiến dịch có chiều sâu, sử dụng một số lớn xe tăng, máy
bay, pháo binh, quân đổ bộ đường không, đã được nghiên cứu ở nước ta
trước các nước khác. Ngay lúc bắt đầu những năm 30, ta đã có cơ sở của lý
luận này. Và học thuyết quân sự của chúng ta cũng là một học thuyết tiên
tiến, nhằm bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và quy định việc tiến hành chiến
tranh với những mục đích quyết định, bằng mọi nỗ lực thống nhất của toàn
thể các quân chủng và binh chủng. Vai trò của các quân chủng, binh chủng
và những nguyên tắc sử dụng tác chiến những quân chủng, binh chủng đó đã
được quy định một cách đúng đắn về cơ bản.