để tranh đoạt, cũng chẳng làm hại đến ai, thậm chí đến nghi lễ cũng chẳng
cần, chỉ viết giấy kết hôn mà thôi.
Rốt cuộc, Trương Ái Linh muốn gì? Kiêu ngạo như cô, lẽ nào lại chỉ
muốn một danh phận suông như thế? Lại chỉ muốn một lời hứa hẹn chẳng
chắc chắn như thế? Hay là cô thực sự có thể chắc chắn, cô sẽ là chốn về
cuối cùng của Hồ Lan Thành? Hoặc có lẽ căn bản cô chẳng để ý đến những
điều ấy. Thiên hoang địa lão xưa nay vốn chỉ là một thần thoại, còn nam nữ
dưới ngòi bút của cô, đã từng có mấy ai có kết cục viên mãn? Nắm tay là
một loại hình thức, bình thản nắm tay là để sau này buông tay một cách tự
nhiên thoải mái.
Dẫu Trương Ái Linh tỉnh táo, nhưng cô hà tất phải lấy sự thanh bạch
một đời để đổi lấy cuộc hôn nhân sai lầm này? Trong Mối tình khuynh
thành cô từng viết như thế này: “Lúc tử sinh hay khi cách biệt, chẳng bỏ
nhau lời quyết thệ rồi. ‘Cầm tay nàng hẹn mấy lời/ Sống bên nhau mãi đến
hồi già nua’[1]. Anh thấy đây là một bài thơ đau buồn nhất, sống chết và ly
biệt, đều là việc lớn mà chúng ta không thể quyết định được. So với sức
mạnh của thế giới bên ngoài, con người chúng ta rất nhỏ bé, thực sự rất nhỏ
bé! Nhưng ta vẫn nói rằng: Ta sẽ mãi mãi ở bên nhau, đời này kiếp này
không chia lìa – cứ như bản thân ta làm chủ được vậy!” (Trần Quang Đức
dịch)
[1] Thơ Kích cổ trong phần Bội phong, Kinh thi, bản dịch của Tạ Quang
Phái.
Đúng thế, sống chết và ly biệt đều không do con người quyết định.
Đường đời mênh mang, phóng tầm mắt nhìn ra xa, hết thảy đều là gió trăng
tình thù chẳng thể phân biệt nổi. Người chầm chậm dạo bước tiến về phía
trước, tự mình không biết tiếp sau sẽ là nơi nào. Hồ Lan Thành nói: “Tuy
chúng tôi đã kết hôn, nhưng vẫn như chưa kết hôn. Tôi không muốn cuộc
sống của cô ấy vì tôi mà thay đổi, dù chỉ một chút. Hai người chúng tôi