để nắm giữ mây gió. Khung cảnh thịnh vượng ở Bến Thượng Hải năm xưa,
nay lại tái hiện ở Đài Loan. Giai nhân đã từng vận chiếc áo sườn xám hoa
lệ, đi dưới ánh đèn rực rỡ đó, nay đã không còn trẻ trung nữa. Nhưng văn
chương của bà không những không già đi, mà trải qua năm tháng bồi đắp,
thế sự tô điểm, lại càng trở nên hoàn mỹ hơn.
Trương Ái Linh đã từng cao ngạo cô độc, trải qua những tháng năm gian
khổ viết lách để sinh tồn, bà cực kỳ cảm động trước con mắt hơn đời của
Bình Hâm Đào. Sau này, trong thư gửi Hạ Chí Thanh, bà viết: “Xưa nay,
yêu cầu duy nhất của tôi đối với người phụ trách xuất bản là đạo đức nghề
nghiệp, mấy năm qua, nhuận bút nửa năm hoặc hàng năm Hoàng Quán trả
cho tôi tuy có hai nghìn đô la Mỹ, có lúc tăng gấp đôi, nhưng là nguồn thu
nhập ổn định duy nhất của tôi…”. Nói một cách chính xác, Hoàng Quán đã
tạo cho Trương Ái Linh một nguồn thu nhập ổn định, để bà có thể không lo
lắng về cuộc sống, có thể giúp bà sống ẩn dật an nhàn trong những năm
cuối đời. Những thu hoạch này, là vận mệnh trao cho một tác giả nhỏ nhoi,
là sự đền đáp mà bà đáng được hưởng.
Bình Hâm Đào cũng vô cùng yêu quý và tôn trọng Trương Ái Linh, sau
này ông nhớ lại: “Trương Ái Linh sống rất giản dị, thư gửi tới cũng cực kỳ
đơn giản ngắn gọn, để giảm bớt những khó khăn và phiền phức cho cô ấy,
những lá thư tôi gửi đều chỉ có đôi ba câu, giống như điện báo vậy, đến
những câu hỏi thăm khách sáo cũng bỏ qua, đúng là ‘quân tử chi giao đạm
nhược thủy’. Để có thể liên lạc với cô ấy mau chóng hơn một chút, bình
thường thư gửi đi đều chuyển qua máy fax của một tiệm tạp hóa gần chỗ cô
ấy ở. Nhưng lần nào cô ấy cũng phải mua đồ trong tiệm mới có thể nhận
được fax, dù nhận được bản fax rồi, cô ấy cũng không thể lập tức trả lời, mà
phải cách một quãng thời gian khoảng hai, ba mươi ngày. Tôi nghĩ nhất
định cô ấy đã rất quen với phương thức giao tiếp bình dị mà trực tiếp này,
cho nên, hai bên mới có thể duy trì tình bạn ba mươi năm mà không thay
đổi”.