“Quân tử chi giao đạm nhược thủy”, đúng vậy, qua lại thanh đạm nhưng
lại có thể dài lâu. Thực ra từ việc hợp tác giữa Trương Ái Linh và Hoàng
Quán, có thể thấy, bà là một người rất trọng tình, hay nói cách khác, bà là
một người ghét sự phức tạp. Đặc biệt khi về già, bà không giao tiếp với
người bên ngoài, phương thức trao đổi này của Bình Hâm Đào lại thể hiện
sự tôn trọng bà, hiểu hoàn cảnh của bà, cho nên, Trương Ái Linh bằng lòng
giao tác phẩm của mình cho ông, cho đến khi chết mới thôi. Nhưng về già,
Trương Ái Linh nhiều lần chuyển nhà, lại khiến người ta cảm thấy bà là
một người không ổn định. Thực ra chính vì bà rất muốn được ổn định, cho
nên mới lựa chọn di chuyển nhiều lần, trong lòng bà sợ hãi, bà sợ bất cứ sự
quyến luyến dây dưa nào. Cho dù chỉ là một chiếc lá rụng, một tiếng gió vi
vu, đối với bà, đều là sự phiền nhiễu vô cớ.
“Gạt việc viết lách sang một bên, cuộc sống của cô ấy vô cùng đơn
thuần, cô ấy yêu cầu có cuộc sống của riêng mình, lựa chọn cô độc, thậm
chí là hưởng thụ sự cô độc này, không cho đó là khổ sở. Cô ấy cũng không
hề xem trọng danh tiếng, tiền bạc… Tiếp xúc với Trương Ái Linh ba mươi
năm, tuy chưa từng gặp mặt, nhưng thông qua vô số thư từ, mỗi lá thư dĩ
nhiên chỉ là dăm ba câu, nhưng giao tình liên tục như vậy, lại khiến tôi cảm
thấy đáng trân trọng…”. Những câu nói này là lời của Bình Hâm Đào, có
thể thấy ông rất hiểu Trương Ái Linh, ông trân trọng người phụ nữ chưa
từng hội ngộ này.
Sau khi Reyer rời bỏ cõi đời, cuộc sống của Trương Ái Linh không có
biến động gì, ngoài chỉnh sửa các sáng tác cũ, tinh lực còn lại, bà đều dồn
vào phiên dịch Hoa trên biển và sáng tác Hồng lâu mộng yểm. Năm 1969,
bà còn chuyển sang nghiên cứu học thuật, nhận lời mời của giáo sư Trần
Thế Tương của Đại học California, phân hiệu Berkeley chủ trì Trung tâm
Nghiên cứu Trung Quốc, đảm nhận chức nghiên cứu viên cao cấp ở đó. Có
thể thấy, khi đó Trương Ái Linh dù đã đóng chặt cửa lòng, nhưng bà vẫn
không hoàn toàn cách biệt với thế gian. Đến khi bà nhìn thấu hết mọi cảnh