vật, thì sẽ không còn nhìn chén trà nhân gian nguội ngắt đó dù chỉ một lần
nữa.
Công việc này đối với Trương Ái Linh, cũng chỉ là một nét phác họa qua
loa, tuy thích hợp, nhưng cũng không gây hứng thú là bao. Đặc biệt trên
phương diện quan hệ xã hội, Trương Ái Linh vẫn một mình một ý như
trước, không chịu đi làm theo giờ quy định. Và những người làm việc ở đó,
gần như khó có thể gặp mặt bà. Thi thoảng gặp được, cũng chỉ là thoáng
qua, bởi bà đến như một cơn gió, rồi lại mất hút.
Một người làm phụ tá cho Trương Ái Linh, tên là Trần Thiếu Thông,
từng viết bài Đi lướt qua Trương Ái Linh, trong đó có vài đoạn như sau:
“Tôi và bà ấy làm cùng một văn phòng ở cuối hành lang. Sau khi mở cửa,
trước tiên là phạm vi phòng của tôi, mở thêm một cánh cửa nữa bước vào
trong, bên trong chính là thiên hạ của bà ấy. Tôi và bà ấy chỉ cách nhau có
một tấm ván mỏng, đều có thể nghe rõ tiếng thở, tiếng ho của nhau. Hàng
ngày, bà ấy đều đến vào lúc mười ba giờ hơn, đẩy cửa ra, mỉm cười với tôi,
dường như một làn khói cũng xộc vào trong phòng, suốt buổi chiều cũng
hiếm thấy bà ấy ra ngoài. Tôi phải cố gắng hết sức kiềm chế bản thân, để
không quấy rầy sự yên tĩnh của bà ấy”.
“Khi đã quá quen thuộc với sự cô độc quái gở của bà ấy, vì đồng tình
với tâm trạng của bà, tôi chọn một giải pháp mới: Mỗi ngày khi gần tới giờ
bà ấy tới, tôi liền tránh đi một lúc, tạm thời lánh sang phòng đọc sách, kiếm
người tán chuyện, cho đến khi xác định bà ấy đã yên ổn bước vào vương
quốc cô độc của mình xong, tôi mới quay về vị trí. Làm như vậy hoàn toàn
là vì để bà có thể tiết kiệm được thời giờ và sức lực chào hỏi tôi”.
Miêu tả sinh động như thế, đủ để mọi người thấy một Trương Ái Linh
chân thực. Bà cô độc quái gở, nhạy cảm, kín kẻ. Mọi người đều rất hiểu
người phụ nữ như thế này, thậm chí cố gắng hết sức tránh gây phiền phức
cho bà, tôn trọng và cung kính bà. Bà ở trong tòa thành thuộc về một mình
bà, tất cả thế giới này đối với bà cũng chỉ là một cơn ồn ào vô danh mà thôi.