chờ cô để làm gì? Mẹ cô đã đi Singapore, cô ở lại Thượng Hải, trong tòa
chung cư Eddington mà người cô thuê ở đường Hurd. Trương Ái Linh thực
sự rất thích cuộc sống ở chung cư, cô nói: “Chung cư là nơi trốn tránh thế
tục lý tưởng nhất”.
Trang trí nội thất của căn hộ này đều do Trương Mậu Uyên tự thiết kế.
Lò sưởi trong phòng khách, còn có đèn cây, bộ sofa trang nhã, đem lại cảm
giác thư thái đến mức quên cả tháng năm. Ngồi trên ban công, có thể nhìn
xuống toàn thành phố. Phía không xa, có phòng khiêu vũ Bách Lạc Môn,
lúc nửa đêm, vẫn còn có thể loáng thoáng nghe thấy ca sĩ hát đi hát lại ca
khúc Dạ lai hương. Thứ âm nhạc hoài niệm phong tình là thứ âm thanh xa
hoa tô điểm cho cảnh thái bình bấy giờ ấy, đến nay vẫn còn khiến người ta
say đắm.
Dường như Trương Ái Linh rất hài lòng với hết thảy mọi thứ ở nơi này.
Quãng thời gian sống cùng người cô, có một sự nhàn nhã tựa như dòng
nước nhỏ chảy miên man. Trong Chuyện riêng, cô viết: “Bây giờ tôi đang
sống trong giấc mộng cũ, xây một giấc mộng mới trong giấc mộng cũ đó.
Trên ban công nhìn ngắm ánh trăng vàng loang loáng. Tiếng trống thay
canh trong đêm của thời xưa, nay thay bằng tiếng mõ rao bán mằn thắn, gõ
lên nhịp giấc mộng của vô số người từ ngàn năm nay, ‘Cốc, cốc, cốc’ –
những năm tháng vừa đáng yêu lại vừa đáng buồn!”.
Khi ấy, Trương Mậu Uyên cũng hơi túng quẫn, họ sống rất đạm bạc.
Chưa tốt nghiệp Đại học Hương Cảng, nên về đến Thượng Hải Trương Ái
Linh muốn chuyển đến Đại học St John’s, học cho xong, có được tấm bằng,
coi như là hoàn thành sự nghiệp học hành kéo dài bấy lâu nay. Em trai
Trương Tử Tĩnh vốn thi đỗ khoa Văn của trường Đại học Phúc Đán ngừng
giảng dạy nên cuối cùng phải hủy bỏ. Nghe xong ý định của Trương Ái
Linh, cậu cũng quyết định thi vào Đại học St John’s.
Nhưng lấy đâu ra tiền học phí? Trương Tử Tĩnh về nhà, bàn với cha
chuyện học phí của Trương Ái Linh. Dù trong lòng vẫn không thể nào quên