chấp nhận, và bắt đầu sống ở nhà Johnson; hai người rất hợp nhau. Đến mùa
thu, khi xem xét lại thị thực của anh ta, Johnson và Martin mới phát hiện anh
ta đã tham gia vào một băng đảng trộm két trên khắp Scotland. Gã đã nhiều
lần phải ngồi tù, trong đó có một lần vì tội giả mạo giấy tờ. Người Scotland
vui tính nhanh chóng được tặng một vé máy bay một chiều để quay trở lại
Glasgow.
Một số bạn bè nghĩ rằng việc sa thải các cố vấn đáng tin cậy như
Carbonell là biểu hiện của một số thay đổi đáng lo ngại ở Johnson. Lần đầu
tiên, truyền thông đã chú ý đến lão. Tờ Fortune có bài viết về lão trên trang
bìa với một câu chuyện được thổi phồng vào mùa hè năm đó như “Người
bán hàng gai góc nhất nước Mỹ”. “Ông ấy rất giỏi phá bỏ văn hóa của một
công ty lâu đời có nề nếp và thay thế chúng bằng một tổ chức mới trong đó
hòa trộn sự náo loạn, thận trọng và quyết tâm.” Bài báo viết tiếp: “Trong ba
lần tái tổ chức, ông ấy đã đưa 2.650 công ty trở lại đúng công việc sở trường
của họ hoặc biến mất hẳn khỏi thương trường. Johnson đang hướng sự chú ý
của các giám đốc dưới trướng đến những lợi ích cá nhân hơn là tới tương lai
của công ty.”
Tờ Business Week cũng có bài viết nhưng ít ấn tượng hơn. Họ ghi nhận
giá cổ phiếu của RJR đang ở mức thấp, triển vọng của công ty mờ nhạt, và
hiệu suất hoạt động của thuốc lá đang giảm dần. Tạp chí này thoạt đầu giống
như đang hướng đến một câu chuyện thậm chí còn khó nghe hơn. Họ nói
nhiều đến thói chi tiêu xa hoa của Johnson, và đặt câu hỏi về khả năng điều
hành của lão. Nhưng công ty đã gây áp lực buộc bọ phải bỏ bài báo đó.
Martin nói với tổng biên tập, Stephen Shepard, rằng một phóng viên có
thành kiến với Johnson đã đến và có bài viết bôi xấu công ty. Ông đe dọa sẽ
từ chối quyền tiếp cận của tờ báo với RJR trong tương lai. Câu chuyện xuất
hiện trên mặt báo dưới hình thức nhẹ nhàng hơn, và chỉ phàn nàn đúng một
dòng về Johnson, rằng lão thường xuyên ấn một tờ 50 đô-la vào tay người
quản lý rượu vang. “Chúa ơi,” Johnson đau khổ nói, “đã lâu rồi tôi không trả
tiền boa ít như thế.”