Đến trưa, một phóng viên bên ngoài trụ sở nói với khán giả truyền hình
rằng anh ta dự định phỏng vấn Johnson khi lão rời khỏi tòa nhà để về nhà ăn
trưa. Ở nhà lão trên đường Whitewater, người hầu gái đang xem chương
trình đó. “Ồ, ngài Johnson,” người phụ nữ gọi cho Laurie. “Ngài Johnson
đang về nhà ăn trưa.” Laurie liền gọi điện hỏi chồng, tỏ vẻ bối rối. “Anh về
nhà ăn trưa à?”
Johnson chẳng thể về nhà nếu lão muốn vậy. Tòa nhà vẫn đang bị giới
truyền thông bao vây suốt ngày. Ngay cả các phóng viên địa phương cũng
đã biết vụ LBO trị giá 17,6 tỷ đô-la này sẽ là vụ tiếp quản công ty lớn nhất
trong lịch sử. Đó cũng là câu chuyện lớn nhất trong ngày, và sẽ sớm trở
thành câu chuyện kinh doanh lớn nhất trong năm. Trung tâm mua sắm thời
thượng ở phía bắc Atlanta đột nhiên trở thành trung tâm của giới kinh
doanh.
-
Sáng thứ Năm, Jim Robinson đang ở nhà mẹ ở Atlanta chuẩn bị cho
cuộc họp hội đồng quản trị của Coca-Cola, ông vẫn gọi tên nó bằng giọng
miền Nam cố hữu là: Co-Cola. Ông lớn lên ở Atlanta và học Đại học
Harvard, đến tuổi 52, Jim Robinson được mệnh danh là bộ trưởng ngoại
giao của các công ty Mỹ. Công ty mà ông lãnh đạo trong 10 năm qua,
American Express, là một trong những siêu cường tài chính thực sự của thế
giới, quản lý 198 tỷ đô-la tiền mặt của các nhà đầu tư khác. Có 28 triệu
thành viên sử dụng thẻ tín dụng của công ty. Khi Jim Robinson nói, các
nguyên thủ quốc gia sẽ lắng nghe. Nhiều năm trước, kế hoạch giải quyết
cuộc khủng hoảng nợ của thế giới thứ ba do ông nghĩ ra đã dành được sự
quan tâm rộng rãi. Robinson là người khó tính, có sự giao thoa giữa tính
cách của người trồng rừng miền Nam và một nhân viên ngân hàng có tầm
ảnh hưởng. Vợ ông, Linda, là người có địa vị trong xã hội, bà là chủ của một
công ty quan hệ công chúng ở New York.