Gutfreund chấp thuận, Strong muốn sáng thứ Hai sẽ bắt đầu mua cổ phiếu
của RJR Nabisco vào, và tiếp tục mua cho đến khi họ đạt tổng giá trị mua 1
tỷ đô-la.
Strong không hề nông nổi khi đề xuất kế hoạch này. Các nhân viên
ngân hàng đã dành cả cuối tuần đã tranh luận về quan điểm này.
Chiến lược có vẻ rất tuyệt vời, mục tiêu chỉ có một lần trong đời là thu
mua các thương hiệu đình đám. Đó chính xác là kiểu hành động táo bạo mà
theo họ, Salomon nên thực hiện. Càng thảo luận, họ càng trở nên nhiệt tình.
Tất cả mọi người chỉ còn một câu hỏi chung: Liệu Gutfreund có đồng ý làm
không?
“Không đâu, ông ấy sẽ không bao giờ đồng ý,” một nhân viên ngân
hàng tên Charles Phillips (còn gọi là Chaz) nói. Phillips nhận xét, Gutfreund
nói không đi đôi với làm, nhưng nếu cứ suy tính trong đầu chi bằng nói ra
xem kết quả thế nào. Một số nhân viên ngân hàng trở nên chán nản. Họ rên
rỉ nếu Gutfreund không thông qua vụ RJR Nabisco này, thì ông sẽ không
bao giờ chấp thuận bất kỳ vụ nào. “Nếu chúng ta không thể tìm ra cách để
thuyết phục ông ấy,” một nhân viên ngân hàng kỳ cựu tên Ronald Freeman
nói, “thì 15 năm của tôi ở Salomon chẳng có nghĩa gì.”
Giờ đây, khi Strong đã kết thúc bài phát biểu, Gutfreund bắt đầu tấn
công, giống như một chiến binh bất ngờ chọc thủng lớp vỏ bọc bên ngoài,
lùng sục tìm kiếm những điểm yếu trong kế hoạch của họ. Phong cách của
ông là luôn đặt các nhân viên ngân hàng vào thế phòng thủ, buộc họ phải
chứng minh cho hành động của mình theo hàng trăm cách khác nhau. Trước
khi đánh cược từng đồng đô-la cho thỏa thuận này, Gutfreund nói ông muốn
nghe tất cả những điều có thể khiến thỏa thuận đi chệch hướng. “Các vị
dường như đang khá dễ dãi với tiền do các cổ đông của công ty giao phó,”
ông nghi ngờ. “Điều gì khiến các vị nghĩ rằng ta sẽ thành công?”
Ban đầu, các nhân viên ngân hàng không hiểu ông đang phản đối hay
chỉ đơn giản là đặt ra các câu hỏi xác đáng. Còn vấn đề kiện tụng với thuốc
lá thì sao? Gutfreund hỏi. “Không thành vấn đề,” các nhân viên ngân hàng