Nhưng một lần nữa, công ty lại ngủ quên trong chiến thắng. Trong thập
kỷ sau đó, Nabisco phát triển vô định, đều đều trả cổ tức, trả nợ, và vẫn
nướng những loại bánh đó từ năm này qua năm khác. Điều gì phải đến cũng
sẽ đến, lợi nhuận giảm, các tiệm bánh trở nên già nua cũ kỹ, và đội ngũ quản
lý cũng vậy. Vào giữa những năm 1940, độ tuổi trung bình của các giám đốc
điều hành hàng đầu ở Nabisco là 63. Họ nổi tiếng với biệt danh “chín ông
già”. Chỉ sau khi Tomlinson nghỉ hưu, sau 28 năm, công ty mới rục rịch
chuyển động trở lại.
Năm 1945, một luật sư khác, trưởng bộ phận Pháp lý George Coppers,
được hội đồng quản trị bổ nhiệm làm giám đốc điều hành. Coppers tham gia
các khóa học quản lý vào cuối tuần tại trường Kinh doanh Harvard và bắt
tay tái cơ cấu Nabisco theo những gì ông đã học được. Ông cho chín ông già
về hưu và mang đến công ty một làn sóng mới, với những lãnh đạo trẻ tuổi.
Trong khoảng 12 năm, ông đã chi 200 triệu đô-la để hiện đại hóa các tiệm
bánh, một khoản tiền rất lớn vào thời điểm đó. Tất cả tiền đầu tư đều trích từ
lợi nhuận. Quan điểm của ông là không nên vay nợ và thực hiện chính sách
bảo toàn vốn. Coppers phần bổ những khoản chi khổng lồ để nghiên cứu và
quảng cáo, kéo lợi nhuận đi xuống nhưng tạo ra một nền tảng vững vàng cho
tương lai. Năm 1958, khi công ty xây dựng hai nhà máy cuối cùng sản xuất
bánh quy kem và bánh quy giòn ở Lair Lawn, New Jersey, Nabisco đã cắt
giảm được chi phí, cải thiện chất lượng và vững bước tiến vào nửa cuối thế
kỷ XX. Đến năm 1960, đúng năm Coppers qua đời, tờ Duns Review công
nhận Nabisco là một trong 20 công ty được quản lý tốt nhất trong cả nước.
Một trong những chàng trai trẻ tuổi, tài năng do Coppers đào tạo tên là
Lee Bickmore, người bang Idaho, vùng Mormon, trở thành người cầm lái
con thuyền Nabisco. Bickmore bắt đầu sự nghiệp ở Nabisco với tư cách là
một nhân viên giao hàng ở Pocatello rồi trở thành nhân viên bán hàng. Ông
từng đẩy những chiếc xe chở đầy bánh quy Ritz và Oreo vào tất cả các ngõ
ngách của Utah, Wyoming và Idaho và chỉ được chú ý khi viết một lá thư
tha thiết gửi đến trụ sở công ty ở New York, đề nghị đào tạo nghề và kỹ
thuật cho nhân viên bán hàng. Khi đã trở thành chủ tịch, Bickmore mở rộng
Nabisco ra thị trường nước ngoài: Họ tiến vào Úc năm 1960, tiến vào Anh