Căn Bệnh
Đ
ến cao trào, động đất, lốc xoáy vờn quanh mỏng nhẹ như cánh
chim chao, đột nhiên tôi đẩy anh ra. “Anh phải bảo vệ, em để sẵn dưới gối
ấy”. Đôi tay rắn chắc của anh khựng lại. “Em mới qua được hai hôm, đây là
ngày an toàn mà Thy”. Anh đáng yêu thật, nhớ chính xác cả chu kỳ của
mình. Tôi phá lên cười vì hạnh phúc ấy. Trong điệu cười tôi nghe, vọng lại
chính mình tiếng rơi vỡ kim loại. “Em chọc anh phải không?” Tôi luồn tay
dưới gối, lôi ra, mặt nghiêm trang. “Nào, nghe lời em đi, mấy tháng nay em
không được đều đặn cho lắm”. Anh nhắm mắt. Đam mê xốc anh lên và lôi
anh đi, cuốn anh vào. Cuốn luôn thoáng chốc tâm trạng buồn lo của tôi. Khi
cả hai tê đi và rũ thẳng trên nệm, xâu xé lại giành giật nghĩ suy tôi. Anh vẫn
khỏe thế, không hề có sự sa sụt nào. Không thể? Có thể? Bao nhiêu người
vẫn hừng hực sung sức ngoài phố kia, ai biết bên trong thật hư thế nào.
Mình vẫn khỏe, mình đâu đã đoản.
Anh uống hết ly nước cam mát lành, khoan khoái. Tôi hả lòng. Anh
không cảm nhận được hương vị khác. Cam ngọt và tươi xanh thế kia, át là
đúng. “Bây giờ anh về thẳng nhà hay còn đi đâu?” Tôi buột miệng câu hỏi
mà chưa bao giờ tôi hỏi anh. “Ngoài cơ quan, những phòng họp, giảng
đường, nhà em và nơi anh ở, anh còn chỗ nào khác nữa? Em hỏi lạ lùng...”
Cặp kính cận trễ xuống ngạc nhiên, dỗi hờn như trẻ con. Chiếc xe gắn máy
màu nho anh đi quệt một vệt dài khỏi cổng. Tôi đấm vào ngực mình, cả
biển hoài nghi u mê vây bám tôi. Chiếc cúc áo đắng chát đầu lưỡi theo mỗi
động tác chà xiết mạnh bạo của tôi.
❉❉❉
“Da con hơi vàng. Con nên đi khám xem sao. Bây giờ nhiều người
mắc bệnh gan lắm. Phòng hơn chống con gái ạ. Nói dại miệng, nhưng nhỡ
ra thì phát hiện sớm tốt hơn”. Vừa từ quê ra, chưa đặt chiếc túi du lịch lên
bàn, mẹ đã lo lắng nhìn tôi. Trong giọng nói mẹ, có nỗi đau mẹ xé ruột sinh
tôi năm xưa. Tôi dán mắt vào gương. Quả thế thật, một chút má hồng, môi