cánh sen chẳng che nổi linh cảm người mẹ rứt ruột ra từ mỗi tiếng ho con
trẻ. “Mai con sẽ xin nghỉ buổi sáng đến bệnh viện. Con gái mẹ chưa bao
giờ biết ốm đau là gì, mẹ yên tâm đi. Bệnh tật đối với con xa lạ lắm”.
Ông bác sĩ trung niên tự tay lấy mẫu máu mang đi làm xét nghiệm cho
tôi mà không cần y tá. Đôi mắt ông như muốn nói tại vì cô đặc biệt, cô
quyến rũ nên tôi tự nguyện làm phần việc của y tá. Lần đầu tiên tôi bị một
cái kim tiêm chọc vào da thịt. Đau buốt sống lưng. Mẹ kể dù sơ sinh tôi chỉ
nặng 2,4 kg nhưng tôi cứng cáp, tinh ranh hơn những đứa trẻ khác rất
nhiều. Và lớn nhanh như thổi. Chưa khi nào phải đến bệnh viện, chưa khi
nào rỏ rớt một giọt máu. Suốt những năm tuổi thơ tôi không có thả diều bắt
bướm, không có ngã cây, không dao cứa đứt tay. Thế giới chỉ là một tủ sách
khổng lồ. Tôi lớn lên xa lạ, lạc loài với bạn bè cùng trang lứa xung quanh
mình ở quê. Mọi người vẫn tưởng tôi hay đau yếu khi nhìn vẻ mảnh mai,
dong dỏng của tôi. Vậy mà trong ký túc xá Đại học, thi vật tay, đố đứa nào
qua nổi tôi. Sau này, lúc thuộc về anh, anh cười mủm mỉm vuốt người tôi
bằng ánh mắt khiêu khích: “Đàn bà đùi dài và thẳng như em thế này, đàn
ông thành xác ve”. Một năm sau ngày gặp tôi, anh vẫn vẹn nguyên như
thuở đầu, chỉ khác chăng đôi mắt ngời hạnh phúc. Xác ve chẳng thấy đâu.
“Mời cô Thy theo tôi”. Ông bác sĩ đứng trước tôi ra hiệu, vẻ căng
thẳng lộ ra trong dáng điệu, ánh mắt. “Để làm gì, thưa bác sĩ?” Bàn tay ông
nắm lấy tôi kéo trượt dậy. “Chúng tôi cần trao đổi về bệnh tình của cô”. Khi
tôi đứng dậy theo ông bác sĩ, có làn gió từ xa thộc tới bất ngờ. Tôi hơi
loạng choạng. “Tôi bị bệnh gan thật ư? Mẹ tôi quả thiên tài”. Tôi đùa buồn,
tôi tự trấn an tôi. Trong căn phòng trắng toát đã có hai người ngồi sẵn. Họ
ngước mắt im lặng Những đôi mắt thật to và thật lạnh. Ông bác sĩ vẫn nắm
tay tôi. “Được biết cô là trí thức, là thạc sĩ tâm lý học, chắc dễ dàng cho
chúng tôi để thông báo điều này. Cô bị mắc căn bệnh hiểm nghèo”. “Ung
thư gan phải không?” Giọng tôi không mất vẻ bình tĩnh, trong vẻ bình tĩnh
có hàng vạn run rẩy. Nguời phụ nữ đẩy tờ giấy đầy ghi chú về phía tôi. “Cô
bị nhiễm HIV”. Bàn tay ông bác sĩ chặt hơn. Tôi chết cứng giữa gọng tay
muốn đẩy lùi bất hạnh của người thầy thuốc. Có điều gì đó tức cười. Tôi
muốn cười. Cười thật vang, thật lớn. Cười để thiêu trụm cả tòa nhà này,