III
DEDOV
Tôi cảm thấy hình như mình được các bạn đồng học kính trọng. Dĩ nhiên,
điều này cũng có phần ảnh hưởng của tuổi tác khá lớn của tôi so với họ.
Trong cả học viện chỉ có mỗi Volsky là lớn hơn tôi. Phải, nghệ thuật có một
sức mạnh hấp dẫn kỳ lạ! Cái tay Volsky ấy là sĩ quan nghỉ hưu, một quý
ông tuổi bốn mươi lăm, tóc đã hoàn toàn ngả bạc, vào tuổi ấy còn thi vào
học viện, bắt đầu học lại - điều đó chẳng phải là chiến công hay sao? Nhưng
anh ấy rất nỗ lực. Mùa hè dù thời tiết thế nào cũng ngồi vẽ phác thảo từ
sáng đến tối, tận tụy hết mình. Mùa đông, khi trời còn sáng thì vẽ phác thảo,
đến chiều tối thì vẽ màu. Trong hai năm anh đã có những thành công lớn,
cho dù số phận không ban cho anh tài năng đặc biệt nào.
Còn Ryabinin lại là chuyện khác: bản chất cực kỳ tài năng, nhưng lười kinh
khủng. Tôi không nghĩ rằng anh ta có thể vẽ được cái gì nghiêm túc, mặt dù
tất cả các họa sĩ trẻ đều hâm mộ anh ta. Đặc biệt tôi cảm thấy rất lạ sự say
mê của anh ta với những chủ đề được gọi là hiện thực: anh ta vẽ những đôi
giày cỏ, những tấm vải quấn chân và những áo lông cộc, cứ như chúng ta
chưa được ngắm chúng thỏa mãn ngoài đời vậy. Mà cái quan trọng là anh ta
hầu như không làm việc. Đôi khi anh ta ngồi cả tháng vẽ được một bức
tranh, mà mọi người đều kêu um lên ca tụng như một điều kỳ diệu, rằng kỹ
thuật không thể mong hơn thế được (trong khi tôi thấy kỹ thuật của anh ta
hết sức yếu kém), rồi sau đó lại bỏ không vẽ cả những bức phác thảo, đi lại
u ám và không trò chuyện cùng ai, thậm chí cả với tôi, mặc dù hình như anh
ta ít xa lánh tôi hơn những bạn học khác. Một chàng trai kỳ lạ! Tôi thấy
những người ấy rất lạ, những con người không thể tìm thấy sự thỏa mãn
hoàn toàn trong nghệ thuật. Họ không thể hiểu, rằng không có gì có thể
nâng cao con người được như sự sáng tạo nghệ thuật.
Hôm qua tôi hoàn tất bức vẽ, treo lên, và hôm nay đã có người hỏi giá. Ít