- Chẳng lẽ ở ta không chế tạo được chúng hay sao? - tôi hỏi.
- Ở ta cũng có làm, nhưng ít thôi, không đủ. Trông kìa, họ đem về cả đống
thế này. Làm tệ quá, về đây sẽ phải sửa chữa, anh có thấy mối hàn bị bong
ra không? Chỗ này đinh cũng tuột ra rồi. Anh có biết cái thứ này được làm
như thế nào không? Đó là một công việc đày ải. Một người chui vào lò hơi
và dùng kìm để giữ cây đinh, nghĩa là lấy ngực làm điểm tựa chịu lực, còn
bên ngoài thợ cả dùng búa đóng đến khi ra được cái mũ như thế này.
Anh chỉ tôi xem một hàng dài những vòng tròn kim loại lồi lên chạy theo
mối hàn của lò hơi.
- Dedov, thế thì chẳng khác nào đánh vào ngực còn gì!
- Đúng thế. Tôi đã có lần thử vào trong lò hơi, và sau khi đóng bốn cây đinh
thì chui ra không nổi. Ngực bị bầm giập cả. Thế mà sao họ vẫn phải chịu và
quen đi. Quả thực họ sẽ chết như lũ ruồi thôi: chịu được một, hai năm, rồi
sau đó nếu còn sống thì khó còn làm việc được ở đâu. Thử tưởng tượng cả
ngày giơ ngực cho búa đánh, lại còn chui trong nồi hơi, gập cong người
trong chỗ ngột ngạt như thế. Mùa đông sắt đóng băng, lạnh buốt, còn họ thì
ngồi hay nằm trên đó. Như trong cái nồi hơi này, anh có thấy cái màu đỏ rất
hẹp đó không, không thể ngồi trong đó được, mà phải nằm nghiêng đưa
ngực lên. Một công việc nặng nề cho đám nặng tai này.
- Sao lại đám nặng tai?
- Thế đấy, công nhân gọi họ như vậy. Vì tiếng ồn như chuông đánh này họ
thường bị điếc. Anh tưởng họ nhận được nhiều tiền cho công việc khổ sai
này ư? Toàn bạc cắc thôi! Bởi vì không cần kỹ năng, không cần nghệ thuật,
mà chỉ cần cơ bắp... Ryabinin, nếu như anh biết được bao nhiêu ấn tượng
nặng nề ở những nhà máy đó! Tôi thật mừng vì đã vĩnh viễn chia tay với
chúng. Cuộc sống thật nặng nề lúc ban đầu, nếu nhìn thấy những lao khổ