VI
RYABININ
Đã hai tuần tôi không đến học viện, ngồi nhà và vẽ. Công việc hoàn toàn
làm tôi mệt lử, mặc dù vẫn tiến triển tốt. Càng sắp đến lúc hoàn tất, tôi càng
cảm thấy sợ hãi hơn về cái mình vẽ. Và tôi còn cảm thấy rằng đó sẽ là bức
tranh cuối cùng của tôi. Anh ta ngồi kia, trước mặt tôi, trong góc tối của
chiếc nồi hơi, một con người người đang cong quắp lại, ăn mặc rách rưới,
thở hổn hển vì mệt mỏi. Gần như không trông thấy rõ anh ta nếu không có
chút ánh sáng xuyên qua những lỗ thủng hình tròn được đục ra để tra đinh
vào. Những vòng tròn ánh sáng nhỏ đó chiếu sáng áo quần và gương mặt
anh, rọi những đốm vàng lên những mảnh áo quần rách rưới, lên bộ râu và
mái tóc rối bù đầy bụi bẩn, lên khuôn mặt đỏ bừng ròng ròng mồ hôi pha
lẫn đất cát, lên đôi tay gân guốc rách tướp và lên bộ ngực rộng mệt mỏi và
hõm sâu. Cú đập kinh hoàng thường xuyên lặp đi lặp lại làm rung chuyển
chiếc nồi hơi và buộc “kẻ nặng tai” phải gồng hết sức lực để trụ được trong
một tư thế không thể tưởng tượng nổi. Cần diễn tả được bao nhiêu sự gắng
sức căng thẳng đó thì tôi đã cố diễn tả hết.
Đôi lúc tôi buông bảng màu và cọ, ngồi xa khỏi bức tranh, đối diện nó. Tôi
hài lòng vì nó, chưa bao giờ tôi đạt được cái gì như thứ khủng khiếp này.
Chỉ khổ nỗi, sự hài lòng đó không xoa dịu tôi, mà hành hạ tôi. Đó không
phải bức tranh còn chưa vẽ xong, mà là căn bệnh đang chín muồi. Nó sẽ đi
đến đâu, tôi không biết, nhưng cảm thấy rằng sau bức tranh này tôi sẽ
không còn gì để vẽ nữa. Những người bẫy chim, người câu cá, những người
thợ săn với đủ loại biểu cảm và những kiểu dáng tiêu biểu nhất, tất cả “lãnh
địa phong phú của thể loại” đó còn cần gì cho tôi bây giờ? Tôi chưa bao giờ
có cái gì có thể gây tác động được như anh chàng “nặng tai” này, nếu như
tôi gây tác động được...