VIII
RYABININ
Bức tranh đã được bán và mang về Moskva. Tôi nhận được tiền, và theo
yêu cầu của bạn bè, phải tổ chức cho họ một buổi vui vẻ tại “Vienna”.
Không biết có từ bao giờ, nhưng hầu như mọi tiệc tùng của những họa sĩ trẻ
đều diễn ra trong căn phòng ở góc khách sạn này. Đó là một căn phòng lớn
treo đèn chùm, với những chân nến bằng đồng, những thảm và đồ gỗ ám
đen vì thời gian và vì khói thuốc, với chiếc dương cầm từng lao động cật
lực trong thế kỷ này dưới những ngón tay lướt dạo của những nghệ sĩ
dương cầm đầy ngẫu hứng. Chỉ có tấm gương lớn là mới, bởi nó được thay
hai hay ba lần một năm, lần nào cũng là dịp thay cho các họa sĩ là đám
thương gia tụ tập trong phòng góc.
Cả một đám người tập hợp ở đây: các họa sĩ chuyên vẽ cảnh sinh hoạt, các
họa sĩ phong cảnh và các nhà điêu khắc, hai nhà phê bình của những tờ báo
nhỏ nào đó, một số người ngoài. Mọi người bắt đầu uống và trò chuyện.
Nửa tiếng sau tất cả đều tranh nhau nói, bởi ai cũng hứng khởi. Và tôi cũng
vậy. Tôi nhớ mọi người đẩy tôi, và tôi phát biểu. Sau đó ôm hôn nhà phê
bình và móc chéo tay cùng uống với anh ta. Chúng tôi uống, nói và hôn
nhau rất nhiều và chia tay về nhà lúc bốn giờ sáng. Hình như có hai người
ngủ lại luôn trong phòng góc của khách sạn “Vienna” đó.
Tôi khó khăn lắm mới lết về đến nhà, không thay quần áo nằm vật ra
giường, cảm thấy như đang tròng trành trên tàu thủy: hình như căn phòng
đung đưa và xoay tròn cùng với cái giường và tôi. Điều này kéo dài chừng
hai phút, sau đó tôi ngủ thiếp đi.
Tôi ngủ và thức dậy rất muộn. Đầu đau nhức, người nặng như đeo chì. Mãi