chỗ làm tốt. Cả hai người họ rất dịu dàng chào hỏi tôi (có lẽ do cái chân
gỗ), nhưng cả hai đều lúng túng. Sau mười lăm phút là tôi hiểu cả.
Tôi không muốn trở thành vật cản hạnh phúc của họ. Độc giả thông thái sẽ
mỉm người châm biếm: chẳng lẽ anh lại muốn tôi tin tất cả những chuyện
bịa đặt ấy ư? Ai đời lại nhường không cô gái mình yêu cho một gã lười
nhác nào đó?
Thứ nhất anh ta không phải là kẻ lười nhác, còn thứ hai là... Tôi định nói
với các ngài, rằng thứ hai là... nhưng mà các ngài chẳng hiểu đâu... Các ngài
không hiểu, bởi vì không tin rằng trong thời của chúng ta vẫn có lòng tốt và
sự thật. Các ngài ưa thích bất hạnh cho cả ba người hơn bất hạnh cho một
mình các ngài. Các ngài không tin tôi, người độc giả thông thái ạ. Không tin
tôi thì thôi, tùy các ngài!
Ngày thứ ba là đám cưới. Tôi làm phù rể. Tôi kiêu hãnh thực thi nhiệm vụ
trong đám lễ, trong thời khắc mà sinh thể quý báu nhất của tôi trao cuộc đời
mình cho một người khác. Masha thỉnh thoảng rụt rè liếc nhìn tôi. Còn
chồng nàng đối với tôi rất ân cần và bối rối. Đám cưới rất vui. Những người
họ hàng người Đức kêu lên “hoch!”(hoan hô) và gọi tôi là “der russische
Held” (anh hùng Nga). Masha và chồng nàng đều theo Thanh giáo.
“À há, à há, - độc giả thông thái sẽ kêu to - thế là anh gục ngã rồi, người
anh hùng ạ! Thanh giáo cần gì cho anh cơ chứ? Để vào tháng mười hai của
người Chính giáo, người ta không kết hôn! Chỉ thế thôi. Những chuyện của
anh chỉ là sự tưởng tượng thuần túy”.
Cứ nghĩ như vậy đi, nếu các ngài muốn thế, độc giả thông thái ạ. Với tôi
sao cũng được. Nhưng nếu như các ngài đi cùng tôi vào những đêm tháng
chạp trên bờ sông ở quảng trường Cung điện, lắng nghe cùng tôi tiếng gió
rít, tiếng chuông đánh, tiếng chân gỗ của tôi gõ xuống đường, nếu như các
ngài cảm nhận được điều diễn ra trong hồn tôi vào những đêm mùa đông
đó, các ngài sẽ hiểu được... “Đinh - đang! Đinh - đang!” Chuông điểm bốn