Cần phải xóa bỏ trong đầu óc bạn đọc (và nhân thể đây cũng cần phải
nói là cả ở trong một số nhà văn trẻ nữa) cái quan niệm nhà văn là một
người lang thang đây đó, tay lúc nào cũng cầm cuốn sổ ghi, như một "nhà
ghi chép" chuyên nghiệp hay một tên mật thám của cuộc đời.
Người nào buộc mình phải tích lũy những quan sát và loay hoay với
những ghi chép ("kẻo rồi quên mất") người đó, tất nhiên, sẽ thu được một
đống những quan sát không lựa chọn và những cái đó sẽ chẳng có sinh khí.
Nói cách khác, nếu những quan sát ấy được chuyển từ cuốn sổ ghi thành
văn xuôi sống động thì hầu như bao giờ chúng cũng mất đi sức biểu hiện và
sẽ giống như những mẩu văn lạc loài.
Không bao giờ nên nghĩ rằng cái bụi thanh lương trà này hay cái anh
đánh trống trong dàn nhạc kia rồi đây sẽ được tôi cần đến trong một truyện
ngắn và vì thế mà tôi phải đặc biệt chú ý, có khi còn phải quan sát một cách
hơi lên gân nữa là khác. Đó là sự quan sát, như người ta thường nói, "theo
công vụ", thuần túy do công việc thúc ép.
Không bao giờ nên cố nhét những điều quan sát được vào văn, cho dù
chúng là những quan sát rất trúng đi nữa. Khi cần, chúng sẽ đi vào tác phẩm
và đứng vào đúng vị trí của chúng. Nhà văn thường sửng sốt khi thấy một
chuyện xảy ra đã lâu ngày, đã quên bẵng, hay một chi tiết nào đó bỗng
nhiên nổi bật lên trong trí nhớ đúng vào lúc chúng cần đến cho tác phẩm.
Một trong những yếu tố cơ bản để viết văn là trí nhớ tốt.
Có lẽ những ý nghĩ trên đây sẽ sáng tỏ hơn nếu tôi kể các bạn nghe
chuyện tôi viết truyện ngắn "Bức điện" như thế nào.
°
° °