Thú hơn cả là ở trong rừng. Gió thổi trên đồng cỏ, nhưng trong rừng vẫn
có cái tịch mịch ảm đạm trong suốt như băng mỏng. Cũng có thể là vì
những đám mây tối mà trong rừng đặc biệt yên lặng. Mây lửng lơ sát đất,
đến nỗi những ngọn thông như vương vất sương mù.
Thỉnh thoảng tôi đi câu ở những nhánh sông Ôka. Ở đó, trong những bụi
rậm, mùi chát của lá liễu dường như làm da mặt săn lại. Nước sông màu
đen thoảng ánh lam. Trong tiết thu cá thận trọng và ít cắn câu.
Rồi đến lượt mưa rơi, vườn tược tơi tả, cỏ úa đen nằm rạp xuống tận đất.
Trong không khí có mùi tuyết ướt.
Mùa thu có rất nhiều đặc điểm, nhưng tôi không chú ý ghi nhớ. Tôi chỉ
biết chắc một điều là không bao giờ tôi có thể quên được nỗi buồn thu ấy,
nó gắn bó kỳ lạ với cái thanh thản trong tâm hồn và những ý nghĩ giản dị.
Mây đen càng sầu thảm, thứ mây đen lê lết những vạt áo rách rưới lòa
xòa trên mặt đất, mưa càng lạnh thì tâm hồn càng tươi mát và những chữ
hình như cũng tự nằm xuống mặt giấy dễ dàng hơn.
Điều quan trọng là cảm thấy mùa thu, là dòng tình cảm và ý nghĩ mà
mùa thu gợi lên. Và tất cả những gì ta gọi là chất liệu - người, sự việc,
những điểm cá biệt và chi tiết - thì kinh nghiệm cho tôi biết rằng tất cả
những cái đó nấp kín ở một nơi nào đó bên trong cái cảm giác về mùa thu
kia trong một thời gian nhất định. Và hễ tôi trở lại với cảm giác ấy trong
một truyện ngắn nào đó, thì ngay lập tức, tất cả những cái nói trên đã hiện
lên trong trí nhớ và chuyển xuống mặt giấy.
Tôi không nghiên cứu ngôi nhà cũ kỹ nọ như tìm một chất liệu cho cuốn
truyện. Tôi chỉ yêu nó, thế thôi, vì vẻ phiền muộn và cái yên lặng của nó, vì
tiếng tích tắc vô vị của chiếc đồng hồ cổ, vì mùi khói bạch dương ám trong
lò sưởi, vì những tranh khắc gỗ treo trên tường (chúng còn lại rất ít, bởi hầu
hết tranh khắc gỗ của bà Katerina đã bị viện bảo tàng địa phương lấy đi):