Vào cuối thu tôi dời đến một làng quê ở Riazan. Tôi ở trong nhà của một
nghệ sĩ khắc gỗ nổi danh một thời là Pozhalostin. Ở đó còn bà lão già yếu
và hiền hậu tên là Katerina Ivanovna, con gái nhà điêu khắc. Bà lão đã gần
đất xa trời. Cô con gái độc nhất của bà là Nastia ở Leningrađ đã quên hẳn
mẹ. Nàng chỉ gửi tiền về cho bà lão, hai tháng một lần.
Tôi thuê một căn phòng trong ngôi nhà lớn, dội âm, tường gỗ ghép đã
sạm đen. Bà lão ở trong một căn phòng khác. Muốn tới phòng bà lão phải đi
qua mấy gian thờ bỏ không và mấy phòng lát ván, bụi bặm và kêu cọt kẹt.
Ngoài bà lão và tôi ra, không còn ai khác trong nhà. Ngôi nhà của bà
được xếp hạng nhà lưu niệm.
Đằng sau sân và những gian xép cũ kỹ là một khu vườn ẩm thấp và giá
lạnh xào xạc trước gió. Nó cũng rộng lớn và hoang phế chẳng khác gì ngôi
nhà.
Tôi tới đây để làm việc và thời gian đầu tôi ngồi viết trong phòng từ
sáng đến tối. Trời ở đây tối sớm. Mới năm giờ chiều tôi đã phải đốt cây đèn
dầu hỏa có chao hình hoa tuy-lip bằng kính mờ.
Sau tôi chuyển sang làm việc buổi tối. Giữa lúc có thể lang thang trong
rừng, trên những đồng cỏ đã sẵn sàng chờ đón tiết đông, mà lại ngồi trong
phòng vào những giờ ban ngày ít ỏi thì thật là tiếc.
Tôi lang thang rất lâu và trông thấy nhiều dấu hiệu của mùa thu. Sáng
sáng, ở những vũng nước, bên dưới lớp vỏ băng trong suốt như thủy tinh,
trông rõ những bọt khí. Đôi khi trong những bọt khí ấy, giống như trong
khoảng trống của một quả cầu pha lê, có một chiếc lá liễu hoàn diệp hoặc
bạch dương màu đỏ tím hoặc vàng chanh. Tôi thích phá lớp băng để nhặt
những chiếc lá chết cóng ấy mang về nhà. Chẳng bao lâu sau trên bậc cửa
sổ phòng tôi đã có một đống những chiếc lá như thế. Chúng được sưởi ấm
và bốc lên thoang thoảng mùi rượu.