Thú thực, tôi cũng chẳng nghĩ ngợi bao nhiêu về chuyện ấy. Tất nhiên,
ta cũng có thể tìm được cách giải thích nó. Tôi nhắc đến chuyện ấy chẳng
qua chỉ để nói đến rất nhiều hoàn cảnh và thói quen mới nhìn qua thì có vẻ
chẳng mấy quan trọng, nhưng chúng lại giúp cho nhà văn làm việc.
Mọi người đều biết mùa thu là thời gian Pushkin viết được nhiều nhất.
Chả thế mà bài thơ "Mùa Thu Ở Bondin" của ông đã trở thành đồng nghĩa
với sự được mùa sáng tác trong ông.
"Mùa thu đang tới gần - Pushkin viết cho Pletnev - Đấy là mùa mà tôi
thích nhất. Thường vào mùa này tôi khỏe ra. Thời sáng tác của tôi đã đến".
Đoán xem tại sao lại như vậy thật dễ dàng.
Mùa thu là cái trong suốt và cái giá lạnh, là "màu biệt ly" với nét cắt
phân minh của những chân trời xa và hơi thở tươi mát. Mùa thu đưa vào
thiên nhiên một bức vẽ hà tiện nét. Màu đỏ thắm và màu vàng óng của rừng
lớn và rừng nhỏ mất dần đi từng giờ, làm cho những đường nét sắc thêm và
để lại những cành cây trụi lá.
Con mắt cứ quen dần với cái trong sáng của cảnh thu. Cái trong sáng ấy
từ từ chiếm lấy tri thức, sức tưởng tượng và cánh tay nhà văn. Mạch thơ văn
phụt lên như một dòng nước trong suốt và giá lạnh, trong đó chỉ có những
hạt băng mới thỉnh thoảng kêu lanh tanh khe khẽ. Đầu óc sáng suốt, tim đập
mạnh và đều. Chỉ có tay là hơi cóng.
Vụ mùa tư duy của con người chín vào mùa thu. Baratynsky đã nói về
chuyện đó rất hay: "Khi số mệnh nhân quần ngươi hiểu hết, sẽ chín mọng
một vụ mùa thân thiết, cho ngươi về hái gặt hạt tư duy".
Theo lời Pushkin thì cứ mỗi mùa thu ông lại tươi nở. Ông trẻ lại cùng
với thu. Rõ ràng Goethe đã đúng khi ông quả quyết rằng trong đời những
thiên tài thường có mấy lần trở lại tuổi xuân.