Trong bản dịch này, giống như trong nhiều bản dịch ở các nước khác mà
tôi được biết ("Bông Hồng Vàng" đã được dịch ra nhiều thứ tiếng), tôi bỏ
qua hai chương "Ngôn Ngữ Kim Cương" và "Những Cuốn Từ Điển". Tác
giả dành hai chương này cho việc nghiên cứu những nét độc đáo của tiếng
Nga liên quan tới sự thể hiện văn học, xem xét nhiều mặt ngữ nghĩa, các
gốc từ, âm hưởng, tiết tấu... của văn ngôn tiếng Nga. Tôi rất tiếc những
chương này, nhưng tôi nghĩ không có cách nào truyền đạt cái đẹp thuần
khiết của từ ngữ thuộc một ngôn ngữ này bằng những phương tiện không
tương thích của một ngôn ngữ khác.
Nói chung, trong khi dịch cuốn sách, cảm giác đuối sức là cảm giác tôi
thường gặp. Thậm chí ở một vài đoạn tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực. Ai
cũng biết rằng dịch nếu không phải là phản thì cũng là một cái gì mất mát
so với nguyên bản. Trong "Bông Hồng Vàng", sự mất mát đó không phải là
ít.
Khi bản dịch hoàn tất, tôi mới hiểu rằng trong việc làm này của tôi chính
tác giả đã giúp tôi rất nhiều.
Bởi vì mỗi lần đọc đi đọc lại một đoạn văn khó, một hình ảnh đẹp được
miêu tả một cách khác thường, cần phải tìm cách để truyền đạt cho tốt nhất,
tôi lại phát hiện trong lòng mình một niềm vui, niềm vui này đã giúp tôi
vượt qua những khó khăn.
Bởi vì trong khi dịch "Bông Hồng Vàng", tôi hiểu thêm được rất nhiều
cái lao động nặng nhọc nhưng cao quý và vi thế tuyệt đẹp của nghề văn
(nếu có thể coi nó là một nghề). Tôi sẽ sung sướng nếu qua bản dịch này
những ý nghĩ tốt lành của tác giả tới được với bạn đọc.
Bởi vì, sau hết, tôi rất yêu Paustovsky.
VŨ THƯ HIÊN