chúng lấy mùa hoa của mình làm cho thế giới bên trong của con người đẹp
thêm, cao thượng hơn ".
Ông phải bộc bạch tâm sự mình như thế, ông phải lớn tiếng bảo vệ
phong cách lãng mạn trong văn học như thế là để tự vệ, để chống trả sức
mạnh của trào lưu thời thượng "hiện thực xã hội chủ nghĩa" muốn áp đặt
phong cách của nó như là một phong cách duy nhất cho nền văn học xô-
viết. Paustovsky không rời con đường riêng mà ông đã chọn. Ông cho rằng
nó hoàn toàn không có gì trái ngược với con đường chung của các nhà văn
của bất kỳ nước nào, bất kỳ thời đại nào, là hướng tới và vẫy gọi mọi người
cùng nhau hướng tới Cái Đẹp[3].
Từ lâu Paustovsky đã có ý định viết một cuốn sách về nghề văn. Không
phải một cuốn sách dạy viết văn, không phải thế, ông không có ý định dạy
bảo ai, mà là một cuốn khảo cứu nghiêm túc nói về lao động đặc thù của
những người cầm bút và vai trò của họ trong đời sống tinh thần của cộng
đồng nhân loại. Trong bài "Thơ Của Văn Xuôi" đăng trong tạp chí "Ngọn
Cờ" (Znamya) số ra tháng 9 năm 1953, ông viết rằng ý sáng tác một cuốn
sách về nghề văn đã nảy ra trong ông ngay từ trước Thế chiến thứ hai. Ông
đã bắt đầu, nhưng chiến tranh đã ngăn trở ông hoàn thành nó.
Trong một thời gian hơn mười năm Paustovsky dạy nhiều khóa học văn
xuôi tại Học viện văn học Gorky. Nhiều vấn đề có liên quan tới nghề văn và
tâm lý sáng tác đã được đề cập. Vì các bài giảng của thầy, cũng như những
lời phát biểu của trò, đều không được ghi lại, Paustovsky lấy làm tiếc, mới
nảy ra ý tập hợp những tư liệu phong phú đó, bằng hình thức này hay hình
thức khác, miễn sao chúng trở thành có ích cho những người viết văn, nhất
là cho những người viết văn trẻ, và cho cả những ai yêu thích văn học.
Mùa thu năm 1955, tại tỉnh Dubunty, một tỉnh nhỏ nằm bên bờ vịnh
Riga, Paustovsky hoàn thành cuốn sách mà ông thai nghén từ lâu. "Bông
Hồng Vàng" ra mắt bạn đọc lần đầu trong tạp chí "Tháng Mười"(Oktiabr).