Khi qua những ghềnh lớn, tàu của chúng tôi phải để hai tàu kéo dắt, mặc
dầu nó đã mở hết tốc lực.
Lúc xuôi dòng, tàu lại đi ngược. Cả tàu thủy lẫn tàu dắt cùng mở máy
chạy giật lùi ngược dòng nước để giảm tốc độ trôi và khỏi lao vào những
ghềnh đá.
Người ta đã gửi điện báo ngược lên thượng nguồn cho mọi người biết
rằng tàu chúng tôi có chở thi hài viên hoa tiêu. Vì thế ở bến nào cũng có
hàng đoàn người ra đón. Những bà lão khóc mướn quấn khăn đen đứng
đàng trước. Khi tàu vừa đến bến thì họ cũng vừa cất giọng cao và mệt mỏi
khóc người quá cố.
Những lời than khóc nên thơ ấy không bao giờ lặp lại. Theo tôi, mỗi lần
khóc là mỗi lần họ xuất khẩu thành chương.
Đây là một trong những bài khóc:
"Người hỡi, vì sao người nỡ bỏ chúng tôi về nơi cõi chết? Vì sao người
nỡ bỏ chúng tôi, lũ trẻ mồ côi? Phải chăng chúng tôi đã không đón người
bằng giọng vui mừng, bằng lời âu yếm? Hãy nhìn sông Svir người hỡi, hãy
nhìn dòng Svir lần chót. Bờ lở như máu đông, dòng sông toàn nước mắt. Là
nước mắt chúng tôi, lũ đàn bà con gái. Hỡi ôi! vì sao cái chết kia lại đến với
người không đúng lúc? Hỡi ôi, vì sao suốt dòng Svir này lại bùng bùng
những ngọn nến tang?".
Cứ như thế chúng tôi đi đến Voznesenie trong tiếng khóc than suốt đêm
không dứt.
Đến Voznesenie những người hoa tiêu khắc khổ bước xuống tàu và mở
tấm ván thiên. Một ông lão lực lưỡng, đầu bạc phơ với bộ mặt sạm nắng gió
nằm trong quan tài.