Cả ông già, cả tôi - hai người đều lo lắng. Không hiểu rồi có tìm ra được
dù chỉ là một số dấu vết nào đó của Lonceville, để có thể căn cứ vào đó mà
ít nhiều khôi phục lại cuộc sống của ông ta hay không? Hay là chúng tôi sẽ
chẳng tìm thấy gì hết?
Bất chợt, ông lão tuyên bố ông sẽ không về ngủ nhà và sẽ lục suốt đêm
trong kho. Tôi muốn ở lại với ông, nhưng hóa ra người ngoài không được
phép ở lại trong đó. Tôi bèn đi ra phố mua bánh mì, xúc xích, chè và đường,
mang tất cả những thứ đó lại cho ông để ông có thể uống trà đêm, và ra về.
Việc tìm kiếm kéo dài chín ngày trời. Cứ mỗi buổi sáng ông lão lại đưa
cho tôi một bản kê các hồ sơ mà ông dự đoán là trong đó có thể có những
chuyện nhắc tới Lonceville. Bên cạnh những hồ sơ đáng chú ý ông ghi một
dấu "V", nhưng lại gọi chúng theo cách toán học là "dấu căn".
Mãi đến ngày thứ bảy chúng tôi mới tìm được đoạn ghi trong một cuốn
sổ nghĩa trang về việc mai táng viên đại uý quân đội Pháp Charles Eugénie
Lonceville bị bắt làm tù binh trong một hoàn cảnh khá đặc biệt.
Đến ngày thứ chín thì tìm ra một số chỉ dẫn về Lonceville trong hai bức
thư riêng, còn đến ngày thứ mười thì được thêm một bản báo cáo đã rách,
không còn chữ ký, của tỉnh trưởng Olonezh về việc trú ngụ ngắn hạn tại
thành phố Petrozavodsk của "vợ tên Lonceville nói trên là Marie Cécile
Trinité từ Pháp đến để dựng bia cho chồng".
Tài liệu chỉ có đến thế là hết. Nhưng những gì ông lão coi kho lưu trữ
hớn hở vì thắng lợi đã tìm ra cũng đã đủ cho Lonceville sống dậy trong trí
tưởng tượng của tôi.
Lonceville vừa mới hiện ra là tôi đã ngồi ngay xuống trước bàn viết và
tất cả những tài liệu lịch sử nhà máy mới đây còn vụn tan ra, bỗng chốc đã
nhập vào trong cuốn sách. Chúng nhập vào một cách chặt chẽ và quy củ,
đâu ra đó, chung quanh cái anh chàng pháo binh nọ, người đã tham gia cuộc