cách mạng Pháp, bị lính kazak bắt làm tù binh ở mặt trận Gzhat, bị lưu đầy
tới nhà máy Petrozavodsk và đã chết vì sốt nóng ở đó.
Đấy, việc viết cuốn truyện dài "Số Phận Của Charles Lonceville" là như
vậy.
Khi con người chưa xuất hiện thì chất liệu vẫn là chất liệu chết.
Hơn nữa, tất cả cái sườn đã dựng sẵn cho cuốn sách cũng tan thành tro
bụi. Giờ đây cả câu chuyện đã được Lonceville dắt dẫn một cách vững
vàng. Anh ta như nam châm hút vào mình không riêng những sự kiện lịch
sử, mà còn nhiều cái khác nữa trong tất cả những gì tôi đã gặp ở phương
Bắc.
Trong cuốn truyện dài ấy có đoạn khóc người chết. Lời khóc Lonceville
của những người đàn bà tôi lấy ra từ những câu than khóc có thật. Chuyện
này cũng đáng nhắc đến.
Tôi đi tàu thủy ngược dòng Svir, từ hồ Ladoga đến Onega. Ở một khúc
sông nào đó, hình như ở Sviritza, người ta mang từ bến lên boong dưới con
tàu một quan tài đơn sơ bằng gỗ thông.
Về sau tôi mới biết là ở Sviritza có một hoa tiêu cao tuổi nhất và giàu
kinh nghiệm nhất vừa qua đời. Các bạn đồng nghiệp của ông quyết định
chở quan tài mang di hài ông đi suốt dòng sông Svir, từ Sviritza đến
Voznesenie, như có ý cho người chết được từ biệt dòng sông thân yêu.
Ngoài ra, những viên hoa tiêu còn có ý để cho dân hai bên bờ sông được
chia tay cùng người mà họ rất kính trọng, người nổi tiếng khắp vùng.
Chả là Svir là một con sông chảy xiết và nhiều ghềnh thác. Tàu bè
không có hoa tiêu giàu kinh nghiệm không thể nào vượt qua những ghềnh
thác ấy. Vì thế trên dòng sông này từ xưa đã có cả một bộ lạc hoa tiêu liên
kết chặt chẽ với nhau.