Trí tưởng tượng là cội nguồn sáng tạo của nghệ thuật, là vầng thái dương
vĩnh cửu và là Chúa Trời của nó, như các nhà thơ cao hứng trong khu La
tinh đã nói.
Nhưng cái mặt trời chói lọi kia của trí tưởng tượng lại chỉ có thể cháy
sáng khi được cọ xát với mặt đất. Nó không thể cháy trong khoảng không
trống rỗng. Trong khoảng trống rỗng - nó tắt.
Trí tưởng tượng là gì? Dễ nhất là trả lời theo cách Gaidar đã trả lời
những câu hỏi hóc búa như thế. Anh ngờ vực nhìn người nói chuyện với
mình và hỏi:
- Cậu lại định cho tớ vào bẫy chứ gì? Đừng hòng! Tớ không bao giờ nói
ra đâu.
Muốn cho chính mình cũng ít nhiều hiểu được rõ ràng hơn một số khái
niệm thì tốt nhất là hãy phân tích chúng như kiểu ta nói chuyện với trẻ con.
Trẻ con thường đặt câu hỏi: "Cái này là cái gì?". "Cái này dùng để làm
gì?", "Tại sao lại như thế?". Chúng chưa chịu yên chừng nào chúng ta chưa
toát mồ hôi để tìm cho ra câu trả lời, dù chỉ tạm được, cho những câu hỏi
của chúng.
Nếu người nói chuyện với ta là một đứa trẻ đã nói được chữ "tưởng
tượng" thìcâu chuyện ắt cũng phải diễn ra như thế này:
- Thế thì tưởng tượng là cái gì vậy?
Nếu ta trả lời đại khái rằng tưởng tượng là "mặt trời của nghệ thuật"
hoặc "cái thiêng liêng nhất trong những cái thiêng liêng" của nghệ thuật, thì
ta sẽ như chim chích lạc vào rừng, chỉ còn một cách thoát ra là chuồn cho
nhanh khỏi người tiếp chuyện.