Trẻ con đòi cái gì cũng phải rõ ràng. Vì thế chúng ta buộc lòng phải trả
lời người tiếp chuyện chúng ta rằng "trí tưởng tượng là một đặc tính nằm
trong bản chất người".
- Nhưng đặc tính gì kia chứ?
- Đó là thuộc tính của con người sử dụng vốn quan sát đời sống, ý nghĩ
và tình cảm, tạo ra được bên cạnh thực tại một cuộc sống do mình bịa ra với
những con người và những sự kiện, cũng lại do mình bịa ra nốt. (Tất nhiên,
điều đó phải nói cách sao để cho đơn giản hơn).
- Tại sao lại như vậy? - người tiếp chuyện ta sẽ hỏi - Đã có cuộc đời thật
rồi cơ mà. Hà cớ phải bịa ra một cuộc đời khác?
Bởi vì cuộc đời thực là lớn lao, phức tạp, con người không bao giờ có
thể biết hết cuộc đời trong mọi mặt của nó. Mà có nhiều cái con người còn
không thể trông thấy được nữa kia, không trải qua được nữa kia. Chẳng
hạn, con người không thể đi ngược dòng thời gian ba trăm năm về trước để
làm học trò của Galilee
[2], tham dự cuộc công phá Paris năm 1814, hoặc ngồi ở Moskva mà sờ
những cột đá hoa ở Acropolis
[3]. Hoặc vừa đi lang thang trong phố xá Roma, vừa nói chuyện với
Gogol. Hoặc ngồi họp trong nhà quốc hội Convent để nghe những lời nói
của Marat
[4]. Hoặc đứng trên boong tàu để nhìn xuống Thái Bình Dương đầy sao.
Có thể giản đơn vì người đó chưa bao giờ trông thấy biển. Mà con người lại
muốn biết, muốn nhìn thấy, muốn nghe thấy tất cả, muốn được trải qua tất
cả. Và đấy, trí tưởng tượng cho con người những gì mà thực tại chưa kịp
cho hoặc không thể cho con người. Trí tưởng tượng lấp đầy chỗ trống trong
đời sống con người.