Tưởng tượng dựa trên trí nhớ, còn trí nhớ thì dựa trên những hiện tượng
của thực tại. Những nguồn dự trữ của trí nhớ không phải là một cái gì hết
sức hỗn độn. Có một quy luật, đó là quy luật liên tưởng, hay như
Lomonosov
[12]
gọi, "quy luật liên hình dung". Quy luật ấy sắp xếp tất cả mớ hỗn độn
của ký ức dựa trên sự tương đồng về hình thức hoặc theo sự gần gũi về thời
gian và không gian - nói cách khác là khái quát hóa chúng - rồi kéo chúng
vào một chuỗi mắt xích liên tục. Chuỗi mắt xích liên tưởng là sợi chỉ dẫn
đường cho trí tưởng tượng.
Sự phong phú về liên tưởng chứng tỏ sự phong phú của thế giới bên
trong của nhà văn. Có cái phong phú ấy thì ý nghĩ nào, đề tài nào cũng có
thể lớn phổng lên bởi những nét sinh động bám vào nó.
Có những nguồn nước khoáng đậm đặc. Chỉ cần đặt vào đấy một cành lá
hay một cái đinh, cái gì cũng được,trong một thời gian ngắn chúng đã được
rất nhiều tinh thể trắng bao bọc và biến thành những tác phẩm nghệ thuật
thực sự. Đối với ý nghĩ của con người được đặt trong nguồn trí nhớ của
chúng ta, trong cái môi trường đậm đặc của liên tưởng, hiện tượng cũng
tương tự như vậy. Ý nghĩ biến thành tác phẩm nghệ thuật.
Có thể đưa ra bất cứ thí dụ nào về liên tưởng. Nhưng cần phải nhớ rằng
liên tưởng ở mỗi người đều liên quan chặt chẽ với cuộc đời, tiểu sử, ký ức
của họ. Vì thế những liên tưởng ở người này có thể hoàn toàn khác hẳn liên
tưởng ở người kia. Cùng một từ gợi những liên tưởng khác nhau trong
những con người khác nhau. Nhiệm vụ của nhà văn là truyền đạt, hoặc như
người ta thường nói, làm cho những liên tưởng của mình đến được với
người đọc và gợi lên ở người đọc những liên tưởng tương tự.