Ngày hôm qua báo chí Riga loan tin có một chiếc tàu phá băng từ
Leningrađ vào vịnh. Chắc đấy là tiếng còi của nó.
Tự nhiên tôi nhớ đến câu chuyện của một viên hoa tiêu tàu phá băng kể
rằng khi len lỏi qua vịnh Phần Lan, ông bắt gặp trên mặt băng một ôm hoa
đồng giản dị đã héo. Hoa bị tuyết phủ đầy. Ai đã đánh rơi chúng ở đây, trên
hoang mạc băng tuyết này? Chắc chúng đã rơi từ một con tàu nào đó khi nó
phá vỡ lớp băng mỏng đầu tiên.
Hình tượng nảy ra. Với một sức mạnh không hiểu nổi vì sao mà có, nó
dẫn ta tới với một câu chuyện thần kỳ còn chưa rõ nét.
Cần phải khám phá ra điều bí ẩn của những bông hoa chết cóng kia. Mọi
người đều cùng đoán. Người nào trông thấy những bông hoa kia cũng đều
có những phỏng đoán của mình.
Tôi cũng có những phỏng đoán của tôi, mặc dầu tôi không trông thấy
những bông hoa ấy. Không biết có phải chính là những bông hoa của em gái
bé chạy lại đón tôi đã nhặt trên những đồng cỏ không? Hẳn vẫn là những
bông hoa ấy. Nhưng tại sao chúng lại rơi trên băng? Cái đó chỉ có thể xảy ra
trong một chuyện thần tiên, thứ chuyện không thèm đếm xỉa đến giới hạn
trong thời gian cũng như trong không gian.
Tự nhiên ta nghĩ ngay đến mối quan hệ đặc biệt, thuần túy đàn bà đối
với hoa. Nó khác hẳn với cái mà cánh đàn ông chúng ta có. Đối với chúng
ta, hoa là vật trang trí. Đối với đàn bà, hoa là những sinh vật, những vị
khách từ cái thế giới mà chúng ta, những người lớn tuổi và bận rộn làm ăn
chỉ thấy nó khi đi ngang và nhìn nó bằng cái nhìn kẻ cả.
Đáng giận là buổi bình minh vào sáng quá nhanh. Ánh sáng ban ngày có
thể xua đi những ý nghĩ mà tôi vừa nói trên, làm cho chúng trở thành tức
cười dưới tầm mắt những người nghiêm nghị.