Rồi lại phải đi ngược lên giữa những bụi đỗ tùng rậm rạp có quả đen và
khô. Và sau rốt là dấu hiệu cuối cùng: một đôi hài xảo khô xác treo lủng
lẳng trên một cành thông. Sau đôi hài xảo là một vùng cỏ hẹp kéo dài, qua
nó thì đến một cái dốc dựng đứng.
Rừng đến đấy là hết. Ở phía dưới có những đầm lầy khô cạn trên đó đã
mọc lên một rừng nhỏ: những cây trăn, liễu hoàn diệp và một đám bạch
dương.
Đây là chỗ nghỉ cuối cùng. Đã quá trưa. Ngày kêu rào rào như đàn ong
vô hình. Mỗi khi có gió, dù rất nhẹ, thì một luồng ánh sáng mờ mờ liền
đánh sóng trên khu rừng con.
Cách đấy hai cây số, giữa những đầm lầy đã khô, là nơi Hồ Đen giấu
mình - đó là xứ sở của những vùng nước âm u, những khúc gỗ chìm lâu
ngày và những bông hoa súng lớn màu vàng.
Đi trên những đầm lầy ấy phải cẩn thận: ở sâu dưới lần rêu vẫn chồi lên
những thân bạch dương gãy mà thời gian đã mài chúng thành những cọc
nhọn.
Trong khu rừng thưa không khí ngột ngạt, khó thở, xông lên mùi ung
ủng, nước than bùn đen kịt kêu oàm oạp dưới chân. Cây cối ngả nghiêng,
run rẩy vì mỗi bước chân người. Đã đi trong rừng thì đừng nghĩ đến những
cái dưới chân mình. Dưới lớp than bùn và đất mủn dày đến một thước là
một cái hồ ngầm. Người ta nói rằng ở dưới hồ ấy có những con cá măng
đầm lầy đen như than.
Bờ hồ cao hơn một chút và vì thế khô hơn dưới đầm lầy, nhưng cả ở đấy
nữa ta cũng không thể đứng lâu một chỗ: thể nào nước cũng ùa vào dấu
chân ta.
Tốt nhất là nên ra hồ vào lúc chập tối, khi mọi vật chung quanh - ánh lấp
loáng mờ mờ của nước và của những vì sao đầu tiên mới xuất hiện, ánh