nhau. Nhân vật thường hay chống lại tác giả và bao giờ nó cũng chiếm phần
thắng. Nhưng chuyện đó để sau.
Tất nhiên, hầu hết các nhà văn đều có đề cương cho những sáng tác
tương lai. Một số nhà văn vạch ra những đề cương đó tỉ mỉ và chính xác.
Nhiều nhà văn khác lại làm việc đó một cách rất đại khái. Nhưng cũng có
một số nhà văn chỉ vạch đề cương bằng vẻn vẹn vài chữ, mà là những chữ
dường như chẳng có liên quan gì với nhau.
Chỉ có những nhà văn có tài xuất khẩu thành chương mới có thể viết mà
không cần có một đề cương vạch sẵn. Trong các nhà văn Nga, Pushkin rất
tài về mặt này, còn trong các nhà văn hiện đại của chúng ta thì có Aleksey
Nikolaevich Tolstoy
[1].
Tôi dám cho rằng nhà văn thiên tài có thể viết mà không cần đến một đề
cương nào. Thiên tài vốn đã phong phú tự bên trong đến nỗi bất cứ đề tài
nào, bất cứ ý nghĩ nào, bất cứ trường hợp nào hay bất cứ vật nào cũng gợi
lên trong nhà văn một dòng liên tưởng vô tận.
Chekhov khi còn trẻ, bảo Korolenko:
- Này, trên bàn ông có một cái gạt tàn kìa. Nếu ông muốn, tôi sẽ viết
ngay lập tức một truyện ngắn về nó.
Và tất nhiên, Chekhov có thể viết thừa đi được.
Ta có thể hình dung một người nào đó nhặt được tờ bạc một rúp nhàu
nát ở giữa phố, bắt đầu cuốn tiểu thuyết của mình từ tờ bạc một rúp ấy, bắt
đầu như thể đùa bỡn, nhẹ nhàng và đơn giản. Nhưng ngay lập tức sau đó,
cuốn tiểu thuyết phát triển cả về bề sâu lẫn bề rộng, dần dà đầy thêm người,
sự việc, ánh sáng, màu sắc và bắt đầu trôi chảy mạnh mẽ và phóng khoáng.
Bị trí tưởng tượng thúc giục, nó đòi nhà văn mỗi lúc một nhiều thêm những