BÔNG HỒNG VÀNG VÀ BÌNH MINH MƯA - Trang 68

Đó là cái mà ta có thể gọi một cách hết sức khiên cưỡng là đề cương của

truyện ngắn nói trên. Nếu chỉ đọc bản ghi chép này mà không biết gì về
truyện ngắn ta cũng có thể thấy đó là sự mò mẫm chậm chạp, không rõ
ràng, nhưng kiên trì để dò tìm đề tài và cốt truyện.

Vậy thì cái gì thường xảy đến với những đề cương chính xác đã được

suy nghĩ kỹ, được kiểm tra chu đáo nhất của nhà văn. Nói tình thật, cuộc
sống của những đề cương ấy phần lớn là ngắn ngủi.

Trong tác phẩm mới bắt đầu viết, cứ vừa xuất hiện những con người và

những con người đó vừa mới bắt đầu hoạt động theo ý tác giả thì cũng lại là
lúc chúng bắt đầu chống lại đề cương và bước vào cuộc vật lộn với đề
cương. Tác phẩm bắt đầu phát triển theo cái lô-gích nội tại của nó. Tất
nhiên, động lực đầu tiên của tác phẩm là do nhà văn tạo ra. Nhân vật hoạt
động theo cá tính của nó, không hề đếm xỉa đến việc nhà văn là người sáng
tạo ra cá tính đó.

Nếu như nhà văn buộc các nhân vật hoạt động ngược với cái lô-gích nội

tại hiện hữu, nếu nhà văn cố gắng nhét nhân vật vào trong khuôn khổ của đề
cương, thì nhân vật bắt đầu chết dần chết mòn, biến thành những công thức
biết đi, những người máy.

Lev Tolstoy đã diễn tả ý đó hết sức đơn giản.

Có một người đến thăm Yasnaia Polyana đã trách Tolstoy quá tàn nhẫn

với Anna Karenina khi bắt nàng lao vào gầm xe lửa.

Tolstoy mỉm cười, đáp:

- Ý kiến đó gợi tôi nghĩ đến một trường hợp đã xảy ra với Pushkin. Có

lần ông nói chuyện với một người bạn: "Ông có thể tưởng tượng được cái
cô Tatyana đã chơi xỏ tôi một vố như thế nào không? Cô ta đi lấy chồng,
ông ạ. Chuyện đó, nói thực, tôi hoàn toàn không ngờ là nó có thể xảy ra với
cô ấy". Tôi cũng có thể nói hệt như vậy trong trường hợp Anna Karenina.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.