Cái cảnh sao Hỏa làm cho tôi lạnh người, khiếp đảm. Tôi thở phào khi
rời khỏi cái kính thiên lý. Và đường phố Kiev với ánh đèn mờ, tiếng lộc cộc
của những chiếc xe độc mã chở khách, mùi hoa dẻ tàn bụi bặm, trở thành
đầm ấm và vững chắc đối với tôi.
Không, hồi đó tôi không hề có ý muốn bỏ trái đất để bay lên mặt trăng
hay sao Hỏa!
- Tại sao nó lại đỏ thế hả bố? - tôi hỏi cha tôi.
Cha tôi kể cho tôi nghe rằng sao Hỏa là một hành tinh đang hấp hối,
rằng nó xưa kia cũng đẹp như trái đất của chúng ta, nó có biển, có những
rặng núi thấp và cây cối um tùm xanh tốt. Nhưng dần dần sông biển khô
cạn đi, cây cối chết hết, núi non sụt lở không còn vết tích gì và thế là sao
Hỏa biến thành một sa mạc khổng lồ. Chắc hẳn núi ở trên sao Hỏa cấu tạo
bởi đá đỏ, vì thế mà cát sao Hỏa cũng có màu đỏ nhạt.
- Thế ra sao Hỏa là một quả cầu bằng cát? - tôi hỏi.
- Đúng, có lẽ gọi nó như thế thì đúng hơn. - cha tôi nói - Chuyện đã xảy
ra với sao Hỏa rồi sẽ xảy ra với trái đất của chúng ta. Trái đất sẽ biến thành
sa mạc. Nhưng điều đó sẽ đến sau hàng triệu triệu năm nữa. Cho nên chẳng
việc quái gì mà sợ! Vả lại cuối cùng, đến lúc ấy, người ta sẽ nghĩ ra cách
chấm dứt cái trò quái gở nọ.
Tôi trả lời rằng tôi không sợ. Nhưng quả tình tôi lấy làm bực mình cho
trái đất của chúng ta và cũng lo thay cho nó. Hơn nữa, hồi ở nhà anh cả tôi
lại còn cho tôi biết thêm rằng ngay giờ đây sa mạc đã chiếm gần nửa diện
tích trái đất rồi.
Từ ngày ấy nỗi sợ hãi sa mạc (mặc dầu tôi chưa hề trông thấy nó) cứ ám
ảnh tôi mãi. Và mặc dầu tôi thường xuyên đọc trong tạp chí "Vòng quanh
thế giới" những truyện ngắn hấp dẫn về sa mạc Sahara, về những trận bão