tượng hình ác nghiệt vừa tầm thường vừa kỳ cục ấy? Trong sách của tôi, độc
giả dùng làm được cái gì? Một loạt hiện tượng sai nghĩa, trái nghĩa, vô nghĩa
thôi mà! Đọc, nghe, chính là dịch. Có thể có những bản dịch tốt, nhưng không
có những bản dịch trung thành. Độc giả dù có ca ngợi sách tôi thì điều đó có
nghĩa gì đối với tôi? Họ chỉ ca ngợi cái mà bản thân họ đưa vào trong sách thôi
mà. Độc giả nào chẳng đem quan điểm của mình thay thế quan điểm của tác
giả? Chúng tôi tạo điều kiện để kích thích trí tưởng tượng của họ. Tạo cớ cho
những trò như vậy thì thật khủng khiếp. Thật là một nghề nghiệp ô nhục.
- Ông đùa đấy chứ? – Mactanh hỏi.
- Tôi thì không nghĩ như vậy. – Têredơ nói – Ông ấy thừa nhận và lấy làm
đau khổ là tâm hồn người ta không thể thông cảm lẫn nhau, ông ấy cảm thấy
cô đơn khi nghĩ, cô đơn khi viết. Làm gì đi nữa, bao giờ người ta cũng cảm
thấy cô đơn trên đời. Đó là điều ông ấy muốn nói. Ông ấy có lý. Người ta luôn
luôn bộc bạch với nhau, nhưng người ta không bao giờ hiểu nhau.
- Song có những cử chỉ. – Pôn Venx nói.
- Ông không nghĩ đó cũng là một loại chữ tượng hình hay sao, ông Venx?
ông có tin gì về ngài Sulet cho tôi biết không? Tôi không hề gặp ông ta ở đâu
nữa.
Venx đáp là lúc này Sulet đang bận rộn với việc cải tổ hội thánh Xanh-
Phrăngxoa.
- Thưa bà, ông ta nảy ra cái ý làm công việc ấy một cách kỳ diệu hôm đến
thăm Maria, nhà ở phía sau bệnh viện trung ương, trên một đường phố luôn
luôn ướt át, nhà cửa xiên vẹo. Maria là vị nữ thánh và người tuẫn đạo chịu tội
thay cho dân chúng, bà biết đấy. Ông ấy kéo núm dây chuông nhầy nhụa vì
khách khứa đã từng kéo suốt hai thế kỷ. Không hiểu vì Maria đang ở hiệu bán
vàng quen biết hay đang bận trong buồng mà không thấy ra mở cửa. Sulet kéo