Nhưng bây giờ, tôi hãy nói về Tôkubê sau khi cướp một số cổ ngoạn
của Mệ Hoát đem đóng thùng gởi về chôn trong cái kho tàng bí mật ở dãy
Trường Sơn, còn một số thì đập phá tan tành rồi nổi lửa đốt cháy nhà Mệ
Hoát làm cho hàng trăm ngôi nhà chung quanh đó thành ra tro bụi.
Theo lời anh bạn Nhật mà tôi gặp ở Phan Rang hôm Tết, Tôkubê sau
khi đã làm xong hành động điên rồ, man dại đó, sống ngất ngư như một
người si. Ông bạn có quan niệm như thế nào là một người si không? Chiến
tranh tàn phá trí óc của con người và tạo ra nhiều loại điên khùng khác
nhau. Có người điên tưởng rằng mình được Trời phú cho làm cha thiên hạ;
có người cho rằng mình càng giết được nhiều người thì càng có tiếng là anh
hùng hảo hán; có người nghĩ rằng càng lợi dụng được chiến tranh, làm giàu
trên xương máu đồng bào thì càng được tiếng là khôn; có người không có gì
hết nhưng yên trí nếu không đánh địch thì mình mất hết không còn gì; có
người cho rằng cứ mũ ni che tai, mặc cho thiên hạ chém giết nhau là ổn hơn
hết, rốt cuộc thì là trời định đoạt, con người bé nhỏ làm sao mà lo liệu
được... Có hàng ngàn thứ suy nhược thần kinh, có hàng ngàn thứ điên
khùng do chiến tranh tạo ra, ông bạn ạ... Si là một thể của cái chứng suy
nhược thần kinh đó, mà Tôkubê đã mắc phải sau khi cướp đi và phá phách
các cổ ngoạn nhà Mệ Hoát.
Bắt đầu, anh ta mất hẳn trí nhớ, nói trước quên sau. Dần dần, anh ta sinh
sự với tất cả những người làm trái ý hay không làm trái ý mình. Những lúc
lên cơn như thế anh cảm thấy có thể giết người như bỡn, nhưng nhiều khi
sau đó thì lại thấy rã rời ra, không muốn gì hết, không thù hận ai hết, không
muốn nói với ai hết. Anh ngồi ì ra đó hàng tiếng đồng hồ, mắt trân trân mở
ra nhìn không chớp vào khoảng không, lòng vắng lặng như quán chợ chiều
hôm nhưng có lúc lại rạt rào ý nghĩ chán chường, muốn tìm một cái gì mới
nhất, lạ nhất để chết. Ở vào thời buổi chiến tranh; không có gì rùng rợn hơn
là cái tư tưởng của con người khi con người cúi xuống nói chuyện với lòng
mình và thấy tất cả cuộc đời mình chỉ là một số không, một cái gì tối ư vô
nghĩa lý.