Tôkubê nghĩ gì về cuộc đời của anh? Về hành động của anh? Và sự tàn
phá các thành phố, các công trình văn hóa, các tâm tình và đầu óc người ta
do chiến tranh đã tạo nên?
Không có ai biết hết, nhưng cũng chẳng ai tìm biết làm gì.
Sự sợ chết, sự túng thiếu, sự no đói làm cho lòng người khô cằn lại và
đầu óc của người ta trở nên ích kỷ hơn. Bởi thế, chẳng ai tự hỏi tại sao
Tôkubê đương ngồi thần ra hàng tiếng đồng hồ lại ôm lấy mặt khóc rưng
rức; tại sao Tôkubê đang ngồi lại đứng giơ hai tay lên như muốn thu can
đảm lại để đối phó một vụ gì quan trọng lắm, tại sao Tôkubê đang nhìn vào
bóng mình trong cốc rượu lại đổ hất cả chén rượu đi rồi cất tiếng hát như
khóc như than, như gào như thét...
Nhưng không phải lúc nào Tôkubê cũng si dại như thế đâu, có những
ngày, và có những khi anh tỉnh táo và nói chuyện tử tế, điềm đạm y như
người bình thường vậy.
Có một hôm, chính anh bạn mà tôi gặp ở Phan Rang đã nói với Tôkubê:
- Tôi với anh làm việc cùng ở một cơ quan, biết nhau đã nhiều, tôi có
một đôi điều muốn nói với anh.
Tôkubê cúi gập lưng xuống, trả lời:
- Không có gì quý báu hơn. Tình bạn ăn ở với nhau, chỉ cần có thế.
- Tôi thấy ít lâu nay anh không mạnh khỏe. Có lẽ chính anh không biết
như thế, nhưng bè bạn của anh đều nhận thức như tôi.
- Anh nói đúng. Có lúc tôi cũng biết thế, nhưng biết làm sao bây giờ?
- Tôi không có tư tưởng cao xa. Tôi chỉ có những ý nghĩ thiển cận
nhưng thực tế. Anh Tôkubê, anh nên nghe tôi, anh nên nghe những lời của
chúng bạn. Anh phải kiếm một người yêu thương anh, trông nom sức khỏe
cho anh và săn sóc anh, an ủi anh những khi tối đèn, tắt lửa!
Chưa bao giờ có ai lại thấy Tôkubê ôm mặt khóc lớn tiếng khóc não
nùng, thảm thiết như hôm ấy.